Mỹ tiếp tục "đánh" vào ngành công nghệ Trung Quốc

Thứ hai, 12/04/2021 17:00

Bộ Thương mại Mỹ mới đây thông báo đã thêm 7 công ty siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc các doanh nghiệp này hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc và các chương trình khác có thể gây bất ổn trên thế giới. Với động thái này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang triển khai các bước nhằm làm suy giảm nỗ lực của Trung Quốc trong việc xây dựng siêu máy tính để phát triển vũ khí tân tiến.

Bên trong trung tâm quản lý siêu máy tính đặt tại thành phố Vô Tích của Trung Quốc. Ảnh: AP

Trong số các công ty được thêm vào Danh sách Thực thể của Bộ Thương mại Mỹ có Tianjin Phytium Information Technology, Shanghai High-Performance Integrated Circuit Design Center, Sunway Microelectronics và National Supercomputing Center. Các công ty này sẽ không được sử dụng công nghệ có nguồn gốc tại Mỹ nếu như không có giấy phép của Bộ Tài chính Mỹ. Theo Bộ Thương mại Mỹ, các công ty Mỹ muốn xuất khẩu sản phẩm cho các công ty trong danh sách trên phải xin giấy phép và những danh mục không cần cấp phép bị giới hạn.

Cản bước Trung Quốc xây siêu máy tính

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, 7 hãng công nghệ của Trung Quốc đã bị xếp vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của Bộ Tài chính Mỹ do vai trò của họ trong chương trình phát triển siêu máy tính của Bắc Kinh và liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Siêu máy tính đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của vũ khí hạt nhân và siêu thanh. Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc, 7 công ty này "đang xây dựng các siêu máy tính được quân đội Trung Quốc sử dụng trong nỗ lực hiện đại hóa hoặc phát triển vũ khí cho các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt". Một quan chức cấp cao tại Bộ Thương mại Mỹ nói với tờ Washington Post: "Đây là các bên đang hành động theo những cách thức đi ngược lại với lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta. Không nên có bất kỳ sản phẩm nào của Mỹ góp phần vào nâng cao khả năng quân sự của Trung Quốc".

Theo tờ Washington Post, siêu máy tính tại khu phức hợp nghiên cứu khí động học lớn nhất Trung Quốc, nơi đang tiến hành nghiên cứu vũ khí siêu thanh, đã sử dụng bộ vi xử lý Phytium. Phytium từng hợp tác với các công ty thiết kế phần mềm của Mỹ. Và bây giờ họ sẽ phải xin giấy phép để tiếp tục làm ăn với công ty này.

Mỹ đang trong cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu với Trung Quốc và Nga để chế tạo tên lửa siêu thanh với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh và được thiết kế để gần như không thể đánh chặn. Tên lửa siêu thanh được chế tạo để có tốc độ cực nhanh cùng tính cơ động cao nhằm tránh tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Siêu máy tính có thể nhanh chóng thực hiện các phép tính phức tạp hỗ trợ cho việc phát triển những loại vũ khí tiên tiến như vậy.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố: "Tiềm lực về siêu máy tính rất quan trọng đối với sự phát triển của nhiều, có lẽ gần như tất cả, vũ khí hiện đại và hệ thống an ninh quốc gia, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh. Bộ Thương mại sẽ sử dụng toàn bộ khả năng để ngăn chặn Trung Quốc tận dụng các công nghệ của Mỹ để hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quân sự gây mất ổn định này".

 "Như muỗi đốt"

Theo tờ Global Times, động thái trừng phạt của Mỹ là một nỗ lực cạnh tranh không lành mạnh và sẽ không làm gián đoạn được sự phát triển của Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời chuyên gia Mei Xinyu tại Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế, thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ thúc đẩy các công ty công nghệ nước này thêm nỗ lực nghiên cứu và phát triển để phá vỡ khoảng cách trong các lĩnh vực như máy tính và chất bán dẫn. "Nó giống như muỗi đốt. Các lệnh trừng phạt đã quấy nhiễu chúng ta suốt nhiều năm, vì vậy chẳng vấn đề gì nếu có thêm vết đốt nữa", chuyên gia Mei nói, thêm rằng lệnh trừng phạt mới của Mỹ không khác gì những lệnh trừng phạt cũ.

Global Times cũng khẳng định bất chấp sức ép từ Mỹ trong những năm qua, các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn đạt được nhiều thành tựu dưới cái bóng của loạt biện pháp trừng phạt. Trước những đòn trừng phạt liên tiếp từ Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc Washington "lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia", cố gây sức ép với công ty công nghệ Trung Quốc để duy trì "vị thế độc quyền về khoa học, công nghệ".

"Đáng đồng tiền"

Nhiều công ty Mỹ cho rằng việc chính quyền liên bang kiểm soát xuất khẩu làm tổn hại đến lợi nhuận của họ. Trong khi hành động đó lại khuyến khích Trung Quốc chuyển hoạt động kinh doanh sang nơi khác và phát triển các ngành công nghiệp của riêng mình. Nhưng các nhà phân tích lưu ý, chính sách của Mỹ rất rõ ràng. Công nghệ của Mỹ không nên hỗ trợ quân đội Trung Quốc và các thua lỗ này là "đáng đồng tiền" nếu giúp hạn chế các tiến bộ của quân đội Trung Quốc trong tương lai.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ cao của Trung Quốc. Động thái này phản ánh sự cạnh tranh liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm cả trên mặt trận công nghệ. Tổng thống Joe Biden đã coi việc cạnh tranh với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, trong đó chủ trương đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đối trọng những tiến bộ của Trung Quốc về công nghệ và cơ sở hạ tầng.

AN BÌNH