Mỹ - Triều và “trò chơi vương quyền”

Thứ bảy, 26/05/2018 11:58

Giới phân tích lo ngại, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên –Mỹ công trình ngoại giao mà ông đặt nhiều tâm huyết - đã đẩy công cuộc phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trở lại lĩnh vực xa lạ.

Người Hàn Quốc hôm 25-5 xuống đường biểu tình phản đối quyết định hủy hội đàm thượng đỉnh với Triều Tiên của Tổng thống Donald Trump.    Ảnh: CNN

Dù không quá bất ngờ nhưng quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump thật sự khiến cả thế giới sôi sùng sục,  nhất là các quốc gia Châu Á.

Bởi thật sự, hội nghị này được xem là “công trình ngoại giao” đầy tâm huyết và tràn trề hy vọng của ông chủ Nhà Trắng và với tất cả các nước liên quan. Nhưng cuối cùng, chính ông Trump, chứ không phải nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra tay đánh sập “công trình” này.

Thế giới sục sôi

Quyết định của ông Trump - hủy bỏ những gì nhiều người coi là cơ hội tốt nhất để đạt được thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên - đã khiến các quốc gia Châu Á gần Triều Tiên như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản “thức dậy” với một thực tế ngoại giao mới mẻ và không chắc chắn.

Trong vòng chưa đầy 24 giờ, địa hình chính trị chuyển động đáng kể dưới chân họ, từ triển vọng đàm phán giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đến nhiều nghi ngờ về tương lai quan hệ giữa hai nước. Tại Seoul, các quan chức phản ứng với sự bối rối và thất vọng trước khi Nhà Trắng đã không thông báo trước cho các quan chức Nhà Xanh về quyết định này. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản kêu gọi tiếp tục đàm phán để tìm cách thoát khỏi sự bế tắc chính trị. Chính quyền Bắc Kinh đã cố gắng để cứu vãn tình hình khi nhấn mạnh cả Mỹ-Triều vẫn sẵn sàng để nói chuyện.

Nga, Pháp cũng phản ứng gay gắt về quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Trump. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thành phố St. Petersburg, Tổng thống Putin hy vọng, cuộc gặp thượng đỉnh sẽ vẫn diễn ra. Trong khi đó, ông Macron nói rằng, ông hy vọng động thái của Tổng thống Trump “chỉ là sự cố trong tiến trình cần được tiếp tục thực hiện này”.

Trên khắp mọi nẻo đường, mọi người lo lắng với câu hỏi liệu những căng thẳng giữa Mỹ-Triều có thể leo thang hay không, trong khi các quan chức chạy đua để đáp ứng với cảnh quan chính trị mới. “Động thái này có thể khiến khu vực có nguy cơ xung đột lớn hơn bao giờ hết”, Jean H. Lee, một chuyên gia Triều Tiên tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Mỹ nhận định.

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, sáng 25-5, Triều Tiên đã công bố những hình ảnh của hành động mà Bình Nhưỡng tuyên bố là phá bỏ bãi thử hạt nhân tại Punggye-ri.    Ảnh: CNN

Chiến thắng cho Triều Tiên

Bình Nhưỡng ngày 25-5 tuyên bố vẫn sẵn sàng đàm phán với Mỹ “bất cứ lúc nào”, bất chấp việc Tổng thống Trump đột ngột hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh lịch sử vốn được đánh giá là “đỉnh cao ngoại giao” giữa hai nhà lãnh đạo, dự kiến diễn ra ngày 12-6 tới tại Singapore. Trong tuyên bố hôm 25-5, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận trực tiếp với Mỹ và giải quyết các vấn đề bất cứ khi nào và bằng bất cứ cách nào”. Theo quan chức ngoại giao, quyết định đơn phương hủy cuộc gặp sắp tới của Mỹ cho thấy tình trạng thù địch Mỹ-Triều rất nghiêm trọng, vì vậy cần sớm có cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước.

Có nhiều lý do đằng sau tuyên bố này của Bình Nhưỡng. Trong đó, giới phân tích cho rằng, Triều Tiên đưa ra tuyên bố như vậy, đơn giản vì họ đang ở tâm thế được Mỹ trao cho chiến thắng trong “cuộc chiến” chính trị cân não này. Bởi khi Tổng thống Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên, nhà lãnh đạo Mỹ có lẽ đã trao cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un điều gì đó mà ông ấy muốn. Trong khi nhiều chuyên gia tin rằng, cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều diễn ra quá sớm mà không được chuẩn bị đầy đủ về mặt ngoại giao, một số chuyên gia khác lại nhận xét, quyết định của Tổng thống Trump không chỉ trao cho Bình Nhưỡng bầu không khí hợp pháp, mà còn giúp quốc gia Đông Bắc Á này duy trì chương trình hạt nhân nhằm đảm bảo về cơ bản sự an toàn cho chính quyền.

“Đây là một ngày tồi tệ của Mỹ. Khi đó, Triều Tiên duy trì được kho hạt nhân, làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn, khiến ông Trump mắc mưu, bởi khi tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh ông ấy đã biến Mỹ thành bên có lỗi”, một chuyên gia nhận định. “Nếu ông Kim Jong-un sáng suốt, ông ấy vẫn sẽ im lặng”, một chuyên gia nói như vậy và cho rằng, ông Trump đã thua trong cuộc chiến kiên nhẫn với ông Kim Jong-un.

Tuy nhiên, chừng nào sự an toàn của ông Kim Jong-un dường như còn phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân, Triều Tiên vẫn luôn mong muốn gặp nhà lãnh đạo Mỹ, và dường như Bình Nhưỡng chưa từ bỏ hy vọng này. Đó cũng là lý do Triều Tiên vẫn mong muốn duy trì cam kết đối với cuộc gặp thượng đỉnh.

Hòa bình mong manh cho bán đảo Triều Tiên

Trong tuyên bố đưa ra ngày 25-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington vẫn quyết tâm đối thoại với Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Rõ ràng, Washington vẫn cho thấy quyết tâm đối thoại với Triều Tiên. Nhưng giới phân tích lo ngại, quyết định của ông Trump đã đẩy công cuộc phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trở lại lĩnh vực xa lạ, cũng như đẩy cả hai trở lại một kiểu khủng hoảng có thể leo thang thành những lo ngại chiến tranh như đã từng xảy ra hồi năm 2017. Động thái thoái lui ngoại giao đầy kịch tính này diễn ra sau bước tiến tích cực của Triều Tiên là phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri, theo đó đánh sập 3 đường hầm của bãi thử này cùng các cơ sở canh gác và trạm quan sát ở bãi thử. Bình Nhưỡng cũng đã tỏ thiện chí bằng việc thả tự do cho 3 công dân Mỹ bị bắt giam ở nước này.

Ông Trump đưa ra quyết định trên viện cớ chính quyền Triều Tiên tức giận và công khai thù địch sau khi cảm thấy bị xúc phạm do Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng, có thể áp dụng mô hình Libya cho vấn đề Triều Tiên, theo đó đẩy quốc gia Đông Bắc Á này vào tình trạng cơ cực cả về kinh tế và chính trị với một nhà lãnh đạo bị lật đổ nếu Bình Nhưỡng không chịu phi hạt nhân hóa.

Giới quan sát cho rằng, phát biểu về mô hình Libya của ông Pence cho thấy rõ cách suy nghĩ thật của một số người trong Nhà Trắng. “Đã có sự so sánh giữa vận mệnh có thể xảy ra của Triều Tiên với số phận của Libya. Tại thời điểm này, không được nói kiểu như vậy nếu mong muốn hòa bình và đối thoại hay giải pháp thông qua đàm phán. Họ đang đùa với hòa bình thế giới mà không hỏi bất cứ nước nào”, chuyên gia Oberg nhận định. Chuyên gia Oberg còn cho rằng, một “nội các chiến tranh” đứng sau Tổng thống Trump, trong đó có Phó Tổng thống Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã thực sự có quyết định nằm ngoài sự kiểm soát của ông Trump. Chuyên gia này nêu rõ: “Họ là những người trong chính quyền Mỹ, muốn có cái mà họ gọi là cuộc chiến phủ đầu. Họ không tin tưởng Triều Tiên”.

Có quá nhiều bất trắc đã kéo Mỹ-Triều ra khỏi bàn đàm phán. Đã xuất hiện sự quan ngại đang gia tăng rằng những phát ngôn khó chịu giữa hai bên có thể đi kèm với hành động, trong đó bao gồm việc khôi phục những vụ thử tên lửa tầm ngắn hơn hoặc gia tăng những cuộc tấn công mạng từ Bình Nhưỡng, cũng như những biện pháp trừng phạt được tăng cường, hay triển khai những khí tài quân sự mới từ Washington. Nhưng có thể, với việc ông Trump tuyên bố sẽ vẫn mở cánh cửa ngoại giao và Triều Tiên dường như vẫn mong đợi có được lợi ích từ một “sự tan băng” với Hàn Quốc, những hành động như vậy có thể được kiềm chế hoặc ít nhất là giảm bớt, bởi một mong muốn chung là giữ mọi thứ không vượt ngoài tầm kiểm soát.

KHẢ ANH