Mỹ - Trung đua nhau "vũ khí hóa" AI
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper so sánh việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) với cuộc đua vào vũ trụ. Do đó, Lầu Năm Góc đang chạy đua để vượt qua Trung Quốc trong việc xây dựng các hệ thống AI quân sự, từ bảo dưỡng phương tiện đến các công cụ chiến đấu tiên tiến như vũ khí mạng và máy bay không người lái.
Minh họa về một robot chụp ảnh “tự sướng”, biểu thị trí thông minh nhân tạo (AI). Ảnh: AFP |
Phát biểu tại một hội nghị ở Washington về trí tuệ nhân tạo gần đây, Bộ trưởng Esper nhấn mạnh, bất cứ quốc gia nào triển khai AI trước sẽ có lợi thế quyết định trên chiến trường trong nhiều năm sau đó. “Chúng tôi phải đến đích trước. Các cuộc chiến trong tương lai sẽ được chiến đấu không chỉ trên đất liền và trên biển như chúng đã tồn tại hàng ngàn năm, hoặc trên không như đã xảy ra trong thế kỷ qua, mà còn ở ngoài vũ trụ và không gian mạng theo những cách chưa từng thấy”, ông Esper cho biết.
Khả năng vượt trội của AI
Lầu Năm Góc đã thành lập một văn phòng đặc biệt gọi là Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Chung. Trung tâm này đang phát triển các dự án bao gồm dự đoán bảo trì và kéo dài tuổi thọ của vũ khí và thiết bị để phòng thủ mạng, nhanh chóng phát hiện và xác định các cuộc tấn công mạng. Một lĩnh vực khác về AI mà Lầu Năm Góc đang nghiên cứu là chiến tranh chung - quá trình phức tạp để hợp nhất thông tin tình báo, thông tin cảm biến với các hệ thống chỉ huy và kiểm soát để tiến hành các hoạt động quân sự với độ chính xác và tốc độ chưa từng thấy.
Điện toán đám mây và việc sắp xếp các luồng dữ liệu khổng lồ vào các bảng dữ liệu đám mây cũng sẽ được thuận lợi từ phần mềm AI, có thể khai thác thông tin nhanh hơn con người. Với AI được tích hợp vào hệ thống cảm biến cực kỳ tiên tiến của quân đội Mỹ, các hệ thống chiến đấu sẽ chỉ cần một phần nghìn giây để xác định mục tiêu và các mối đe dọa ngay lập tức để từ đó, cho phép hành động nhanh hơn nhiều. “Chúng tôi cũng xem nó như một công cụ giải phóng các nguồn lực và nhân lực có giá trị để các binh sĩ chiến đấu và nhà điều hành chiến tranh của chúng tôi có thể tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên cao một cách hiệu quả và hiệu quả hơn”, ông Esper cho biết.
Trong khi đó, tầm nhìn của Trung Quốc đối với lĩnh vực AI quân sự, đặc biệt là tình báo, đã được phác thảo trong một báo cáo trên tờ báo chính thức của quân đội nước này vào tháng 3-2018, trong đó kêu gọi đạt được “trí thông minh tối cao”.
“Ai đến trước sẽ thống trị”
Theo ông Esper, Trung Quốc, dự định trở thành “nhà lãnh đạo thế giới” về AI vào năm 2030 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố, Trung Quốc phải chiếm lĩnh các công nghệ AI quan trọng và cốt lõi. Ông Esper cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc là vượt qua hệ thống và vũ khí AI của Mỹ.
Ông Esper từ chối xác nhận việc các Cty nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia vô tình hoặc ngầm cung cấp công nghệ và nghiên cứu cho các chương trình AI của Trung Quốc. Ông khẳng định, các chương trình trí tuệ nhân tạo của Mỹ đề cao các giá trị tự do và dân chủ và bảo vệ niềm tin cơ bản về tự do và nhân quyền. “Câu hỏi đặt ra không phải là liệu AI có được sử dụng bởi các quân đội trên toàn thế giới hay không. Điều đó dĩ nhiên sẽ xảy ra. Câu hỏi thực sự là liệu chúng ta có để cho các chính phủ độc tài thống trị AI và mở rộng chiến trường hoặc ngành công nghiệp khác hay không”, ông Esper nói.
Cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc được so sánh với cuộc đua vào vũ trụ vào những năm 1960 giữa Mỹ và Liên Xô, dẫn đến kết quả là cuộc đổ bộ lên mặt trăng của các phi hành gia năm 1969 và trở về trái đất. “Đây là cuộc đua không gian. Ai đến trước sẽ thống trị”, ông Esper nói. “Đây là một cuộc đua. Chúng tôi phải kết thúc nhanh hơn người Trung Quốc, nhanh hơn người Nga. Tôi ưu tiên AI là số một”, ông Esper khẳng định. Các công nghệ vũ khí tiên tiến khác bao gồm laser và các loại tên lửa siêu thanh khác. Tuy nhiên, ngay cả với những hệ thống đó, thì AI vẫn sẽ cho phép chúng tuân theo cách bạn sử dụng chúng, cách bạn duy trì chúng. Vì vậy, đó là lý do tại sao với tôi AI là số một”, ông Esper nhấn mạnh.
AN BÌNH