Mỹ - Trung khai hỏa chiến tranh thương mại

Thứ bảy, 07/07/2018 10:58

 

Việc áp thuế nhập khẩu khồng lồ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào hàng hóa Trung Quuốc được đánh giá là bước đi đầu tiên đẩy hai nền kinh tế lớn nhất vào cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử.

Trung Quốc cũng đã đánh thuế mới vào hàng hóa Mỹ để trả đũa. Trong ảnh: Rượu vang đỏ nhập khẩu từ Mỹ tại một quầy hàng ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Vậy là cuối cùng, mức thuế khổng lồ và gây tranh cãi - trị giá 34 tỷ USD - mà Mỹ áp đặt nhằm vào hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực vào ngày 6-7, một động thái đã khiến Bắc Kinh trả đũa ngay lập tức nhằm vào khối lượng hàng hóa tương tự của Mỹ.

Sau nhiều tháng chìm trong những lời đe dọa, Mỹ-Trung đã chính thức khai hỏa cuộc chiến thương mại nguy hiểm. Thật sự, việc áp thuế mới nhất này của Mỹ đánh dấu sự mở đầu của cuộc chiến thương mại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp những lo ngại của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

NHỮNG “PHÁT SÚNG” ĐẦU TIÊN

Trên thực tế, đây là bước đi đầu tiên có thể dẫn đến một loạt các mức thuế mới. Bởi lẽ, Tổng thống Trump cho biết, trong vòng 2 tuần tới, Mỹ dự kiến sẽ áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD. Bắc Kinh đáp trả tương tự bằng cách áp thuế với hàng hóa của Mỹ. Theo trang mạng Bloomberg, Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh buộc phải đưa ra đòn đáp trả đối với Washington. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, mức thuế của Mỹ là điển hình cho hành động uy hiếp, cho dù Bắc Kinh đã tái khẳng định cam kết mở cửa. Trung Quốc cũng cáo buộc Mỹ bắt đầu “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” khi hai bên áp đặt mức thuế mới cao trên hàng chục tỷ USD xuất khẩu của nhau.      

Mức thuế 25% của chính quyền Tổng thống Trump đang nhắm mục tiêu hơn 800 sản phẩm Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD như máy móc công nghiệp, thiết bị y tế và phụ tùng ô-tô. Washington “tấn công” ngay sau nửa đêm ngày 5-7 (giờ Mỹ),  khoảng 11 giờ ngày 6-7 ở Bắc Kinh. Các biện pháp áp thuế trả đũa của Trung Quốc nhằm vào hàng hóa của Mỹ bắt đầu có hiệu lực ngay sau đó với tuyên bố: “Trung Quốc buộc phải tấn công để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi và lợi ích của người dân”.

Trước ngày 6-7, tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới làm rung chuyển thị trường và làm dấy lên những cảnh báo từ các Cty do những thiệt hại đáng kể về lợi nhuận, trong khi giá cả cho người tiêu dùng buộc phải bị đẩy cao hơn. Các Cty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc đặc biệt lo lắng. “Căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung sẽ tác động tiêu cực... đến các hoạt động ở Trung Quốc”, William Zarit, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc tuyên bố.

Câu hỏi lớn đặt ra là cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh sẽ đi đến đâu.  Mỹ cũng sẽ sớm áp đặt mức thuế 25%, với tổng giá trị 16 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đã thề sẽ trả đũa hàng hóa Mỹ trị giá tương tự. Các nhà kinh tế nói rằng, nếu mọi việc lùi lại và dừng lại ở đó, tác động tổng thể đối với cả hai nền kinh tế sẽ là tối thiểu mặc dù một số ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn.

MỸ CÓ THỂ THẮNG?

Nhưng nguy cơ là cuộc chiến sẽ kéo dài nguy hiểm khi hai bên liên tục tung đòn “ăn miếng trả miếng” nhằm vào nhau.

Thực tế là, bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Tổng thống Trump tuyên bố, ông sẵn sàng leo thang mạnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Mục tiêu của ông Trump là nhằm vào các mặt hàng máy móc, điện tử, thiết bị công nghệ cao của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, Washington sẵn sàng áp thêm các mức thuế trị giá 200-300 tỷ USD nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và tiếp tục trả đũa.

Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng đề xuất khả năng thuế quan trị giá 450 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông mô tả tương lai cuộc chiến leo thang với các phóng viên trên chiếc Air Force One: “34, và sau đó sẽ là 200 tỷ USD nếu họ vẫn không tuân thủ và sau đó là 450 tỷ USD”. Tổng thống Trump và các cố vấn của ông nhấn mạnh, mức thuế quan là cần thiết để ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ các hành vi không công bằng như trộm cắp tài sản trí tuệ và buộc các Cty Mỹ bàn giao công nghệ có giá trị. Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và nói rằng họ sẵn sàng để chiến đấu đến cùng.

Có thể nói, nguồn gốc căn bản cho những tranh chấp về công nghệ là sự giận dữ của Tổng thống Trump về mức thâm hụt 375 tỷ USD của Mỹ trong thương mại hàng hóa với Trung Quốc. Nhưng sau 3 vòng đàm phán giữa hai bên, trong đó có cam kết của Trung Quốc về việc tăng đáng kể việc mua các sản phẩm của Mỹ, ông Trump quyết định đi trước với mức thuế quan khổng lồ có hiệu lực từ ngày 6-7. Không chỉ xung đột với Trung Quốc, chính quyền Trump cũng đang giao tranh với các đồng minh thân cận khác như Canada và Liên minh Châu Âu (EU).

Rõ ràng, Mỹ đã bắn những phát súng mở màn khơi mào một cuộc chiến thương mại khắp nơi. Và câu hỏi đặt ra là liệu Washington có thể chiến thắng và buộc các nước nhượng bộ. Theo giới chuyên gia kinh tế, Mỹ khó có được chiến thắng trong cuộc chiến này bởi chính họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo kiểu “tự bắn vào chân mình”.

Và còn đó những lo ngại khác. Theo giới phân tích, một cuộc chiến thương mại chính thức giữa Mỹ-Trung đã nổ ra, làm dấy lên quan ngại, mối quan hệ xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gây ra các cuộc xung đột nghiêm trọng hơn và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

KHẢ ANH