Mỹ-Trung lình xình vụ bắt sĩ quan tình báo Xu Yanjun

Thứ sáu, 12/10/2018 09:52

Một sĩ quan tình báo của Trung Quốc đã bị dụ sang Bỉ trong một chiến dịch phản gián và bị bắt tại đây theo lệnh truy nã của Mỹ.

AP ngày 11-10 đưa tin: Một sĩ quan tình báo làm việc cho Bộ An ninh Trung Quốc đã bị phía Mỹ bắt giữ và truy tố về tội hoạt động gián điệp kinh tế và cố gắng ăn cắp bí mật thương mại từ một số Cty hàng không và các Cty khác của Mỹ.

Một thiết bị của GE Aviation được trưng bày tại một triển lãm hàng không ở Trung Quốc. Ảnh: AP

Những cáo buộc

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, từ năm 2013, quan chức thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc Xu Yanjun nhắm mục tiêu các chuyên gia và kỹ sư tại các Cty hàng không và dân dụng của Mỹ và nước ngoài, bao gồm Cty động cơ phản lực General Electric, GE Aviation. Theo đó, từ khoảng tháng 12-2013 cho đến khi bị bắt vào tháng 4, ông Xu sẽ tuyển dụng nhân viên từ các Cty hàng không vũ trụ lớn và thuyết phục họ đi du lịch đến Trung Quốc với lý do thuyết trình tại một trường đại học. Và với tư cách là một quan chức hiệp hội công nghệ, ông Xu từng mời một nhân viên của GE Aviation đến Trung Quốc để thuyết trình - một chuyến đi mà ông Xu chi trả toàn bộ.

Ông này sau đó liên tục có những cuộc tiếp xúc thân mật với các nhân viên, và hồi tháng 2 đã yêu cầu nhân viên gửi thông tin độc quyền cụ thể cũng như danh sách các chủ đề kỹ thuật liên quan đến vật liệu composite trong cánh quạt động cơ do GE Aviation phát triển. Theo cáo trạng, ông cũng đề xuất gặp gỡ nhân viên trong một chuyến đi đến Châu Âu. Và sĩ quan tình báo này sau đó bị dụ sang Bỉ trong một chiến dịch phản gián và bị bắt tại đây theo lệnh truy nã của Mỹ hôm 1-4.

Bỉ đã bàn giao người này cho Mỹ ngày 9-10, đánh dấu lần đầu tiên một sĩ quan tình báo Trung Quốc bị dẫn độ sang một quốc gia khác. Trợ lý Giám đốc FBI Bill Priestap cho biết: “Sự dẫn độ chưa từng có này đối với một sĩ quan tình báo Trung Quốc phơi bày sự giám sát trực tiếp về hoạt động gián điệp kinh tế của chính phủ Trung Quốc nhằm vào Mỹ”.

Tranh cãi Mỹ - Trung

Vụ bắt giữ ông Xu là một phần của cuộc chiến toàn cầu chống lại chiến dịch mà Washington gọi là “hoạt động ăn cắp bí mật kinh tế từ Mỹ của Trung Quốc”. Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ - Trung cũng đang căng như dây đàn khi Washington đang gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh về các chính sách thương mại và cáo buộc nước này trộm cắp tài sản trí tuệ của các Cty Mỹ.

Hồi tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng có bài phát biểu gây chú ý, trong đó “vẽ ra” Trung Quốc là một đối thủ của Mỹ trên tất cả các mặt trận, lặp lại những cáo buộc của Tổng thống Donald Trump rằng, Bắc Kinh đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới của Washington. Trung Quốc tỏ ra rất tức giận và bác bỏ những cáo buộc này. Nhưng căng thẳng hai bên không chỉ ở đó. Mới đây, tờ Bloomberg Businessweek đưa tin về việc Trung Quốc đã bí mật cài chip do thám vào hệ thống máy chủ dùng trong các Cty kỹ thuật lớn của Mỹ, trong đó có Apple và Amazon. Theo nguồn tin, đây là chiến dịch do thám vô cùng bí mật và kéo dài trong nhiều năm, nhằm cài đặt các chip theo dõi vào máy chủ thông qua những bo mạch chủ lắp ráp tại Trung Quốc. Một đơn vị tình báo Trung Quốc chuyên sử dụng linh kiện điện tử để do thám đã cài đặt nhiều chip siêu nhỏ lên những bo mạch chủ do Cty Super Micro chế tạo. Đây là một Cty Mỹ, có trụ sở chính tại San Jose, nhưng các bo mạch chủ phần lớn được sản xuất ở Trung Quốc.

Một trong những Cty có máy chủ bị cài đặt chip do thám từng cung cấp dịch vụ tin học cho nhiều cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm cả các trung tâm lưu trữ dữ liệu của Lầu Năm Góc, các chiến hạm của Hải quân Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Một quan chức chính phủ Mỹ xác nhận với tờ Washington Post rằng nhìn chung, những gì mà Bloomberg Businessweek nêu ra là chính xác.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cũng như các Cty Apple, Amazon hay Super Micro đều cho rằng không hề có việc cài đặt chip do thám.

KHẢ ANH