Mỹ - Trung nỗ lực xoa dịu căng thẳng thương mại và biển Đông
(Cadn.com.vn) - Đối thoại Kinh tế và Chiến lược (S&ED) lần thứ 8 và Tham vấn cấp cao về trao đổi nhân dân (CPE) lần thứ 7 giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị phủ bóng bởi vấn đề tranh chấp biển Đông và những tranh cãi thương mại giữa hai nước.
Các đại biểu Mỹ-Trung tại hội nghị S&ED và CPE ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 6-6. |
Trên bàn đối thoại chiến lược lần này, bắt đầu diễn ra hôm 6-6 ở thủ đô Bắc Kinh, vấn đề biển Đông một lần nữa trở thành tâm điểm tranh luận giữa hai bên trong bối cảnh Mỹ-Trung vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề này. Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự sự kiện này trong khi phía Trung Quốc là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương.
IBTimes dẫn lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, cả Bắc Kinh và Washington cần phải giải quyết các vấn đề “nhạy cảm” và những bất đồng, tuyên bố rõ ràng ám chỉ tranh chấp trên biển Đông - nơi Trung Quốc đẩy các bên vào một hố sâu tranh cãi với việc cải tạo đất ở đây. Theo ông Tập, Thái Bình Dương rộng lớn không nên trở thành đấu trường thù địch mà nên là vũ đài lớn cho sự hợp tác toàn diện. “Điều quan trọng không phải là thái độ đối đầu đối với bất kỳ sự khác biệt nào. Một số khác biệt không thể được giải quyết vào lúc này và cả hai nên tin tưởng và có cách tiếp cận mang tính xây dựng…”, ông Tập nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, cả hai gã khổng lồ này khó có thể xóa bỏ những sự khác biệt, nhất là vấn đề biển Đông một khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục những tuyên bố chủ quyền vô lý và các hoạt động trái phép ở khu vực tranh chấp này. Tại hội nghị này, phía Washington công khai chỉ trích Trung Quốc vì những hành động gây hấn của nước này ở biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Bắc Kinh thúc đẩy một “giải pháp ngoại giao” cho vấn đề biển Đông.
Thủ lĩnh ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc gây áp lực với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay đối với Bình Nhưỡng tại HĐBA LHQ sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1. Tuy nhiên, giới phương tiện truyền thông Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh không thể từ bỏ người hàng xóm bị cô lập, và chỉ trích Mỹ về kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, cho rằng, điều này sẽ nhắm mục tiêu không chỉ ở Triều Tiên mà còn ở Trung Quốc.
Trong khi vấn đề biển Đông đang căng thẳng, những tranh cãi thương mại càng khoét thêm hố sâu căng thẳng Mỹ-Trung. Hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới khẩu chiến không ngừng về vấn đề này, nhất là việc Mỹ áp đặt mức thuế trừng phạt đối với một số sản phẩm thép của Trung Quốc, giữa những cáo buộc Bắc Kinh trợ cấp bán phá giá và không công bằng. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew kêu gọi Bắc Kinh “giảm sản xuất cơ bản” trong ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng này. Theo ông Lew, vấn đề này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng và sự ổn định của thị trường quốc tế.
Đáp lại, Bộ trưởng Tài Chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ cho biết, giới chức nước này đang tiến hành hành động đóng cửa một số nhà máy và sa thải công nhân, nhưng việc giá thép gia tăng gần đây cho thấy một số nhà sản xuất đã thực hiện cam kết giảm sản lượng. Người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” của Trung Quốc cho rằng, không nên quá lo ngại việc Mỹ sẽ đột ngột tăng lãi suất, bất chấp thực tế, động thái này có thể ảnh hưởng sâu rộng tới các thị trường tài chính.
Khả Anh