Mỹ - Trung trước “cơn bão lớn”
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã sẵn sàng mở rộng thỏa thuận “đình chiến” thương mại với Trung Quốc sau ngày 1-3 tùy thuộc vào tiến trình đàm phán đang diễn ra tại Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức Mỹ trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hồi cuối tháng 1. Ảnh: AFP |
Trung Quốc và Mỹ ngày 14-2 đã bắt đầu vòng đàm phán kinh tế và thương mại cấp cao mới ở thủ đô Bắc Kinh, tìm kiếm một thỏa thuận để tránh leo thang cuộc chiến thương mại nguy hiểm giữa hai nước.
Theo AFP, đồng chủ trì khai mạc vòng đàm phán lần này gồm có Phó Thủ tướng Lưu Hạc - đồng thời là Trưởng phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc đối thoại kinh tế toàn diện Trung - Mỹ, cùng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Theo kế hoạch, vòng tham vấn cao cấp này sẽ kết thúc vào ngày 15-2.
Cuộc hội đàm mang tính quyết định
Tổng thống Trump nói rằng, nội dung và thành quả 2 ngày đàm phán cấp cao này sẽ quyết định liệu ông có hành động leo thang cuộc chiến thuế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này hay không. Trước đó, ông Trump cho biết đã sẵn sàng mở rộng một thỏa thuận “đình chiến” thương mại với Trung Quốc sau ngày 1-3 tùy thuộc vào tiến trình đàm phán này.
Vào tháng 12-2018, nhà lãnh đạo Mỹ hoãn kế hoạch tăng mạnh thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc để cả hai có thêm thời gian đàm phán. Hai siêu cường kinh tế áp thuế đối với hơn 360 tỷ USD hàng hóa thương mại hai chiều, đè nặng lên các lĩnh vực sản xuất của họ và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu. “Chúng tôi mong chờ các cuộc thảo luận lần này”, Bộ trưởng Mnuchin nói trước khi đến hội đàm với Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Kỳ vọng về một thỏa thuận đã tăng lên khi Trung Quốc đối mặt với áp lực từ việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, và khi thị trường toàn cầu chấn động đặt ra thách thức đối với Tổng thống Trump và các cố vấn kinh tế của ông.
Dữ liệu được công bố hôm 14-2 tại Trung Quốc cho thấy, thặng dư thương mại với Mỹ - nguồn cơn giận dữ lớn đối với chính quyền ông Trump - đã thu hẹp trong tháng 1 xuống còn 27,3 tỷ USD, ngay cả khi hàng nhập khẩu của Mỹ giảm 41% trong tháng so với 1 năm trước đó. Năm 2018, thặng dư đạt mức kỷ lục 323,3 tỷ USD. Tổng nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm trong tháng 1, động thái cho thấy nhu cầu giảm mạnh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Hy vọng cuộc gặp Trump - Tập
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch gặp các quan chức Mỹ tại Bắc Kinh trong tuần này, củng cố hy vọng cho các cuộc đàm phán và thị trường thế giới. Ông Trump cũng hy vọng sẽ gặp ông Tập “vào một lúc nào đó” để ký kết một thỏa thuận thương mại. Phát biểu trước các phóng viên trong Phòng Bầu dục hôm 14-2, ông Trump nói, các cuộc đàm phán sơ bộ ở Bắc Kinh đang “diễn ra rất tốt”.
“Họ đang cho chúng tôi thấy sự tôn trọng to lớn”, ông chủ Nhà Trắng nói thêm. Chuyên gia Trey McArver thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trivium cho biết: “Thị trường sẽ tiếp tục theo dõi các cuộc đàm phán và phản ứng chặt chẽ với những thăng trầm của các cuộc đàm phán”. “Nhưng quan hệ Trung-Mỹ cuối cùng phụ thuộc vào hai nhà lãnh đạo, đó là việc ông Tập và Trump có thể đi đến một thỏa thuận hay không”, ông này nhận định thêm. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đạt được tiến bộ lớn trong các cuộc đàm phán vào tháng trước tại Washington, nhưng vẫn còn “một khoảng cách rộng” về một số vấn đề. Washington đang yêu cầu những thay đổi sâu rộng đối với những vấn đề của Trung Quốc mà họ cho là không công bằng, bao gồm cả hành vi trộm cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ của Mỹ và vô số rào cản mà các Cty nước ngoài phải đối mặt ở thị trường nội địa Trung Quốc.
Bắc Kinh đưa ra đề nghị tăng cường mua hàng hóa của Mỹ nhưng dự kiến sẽ chống lại những lời kêu gọi thay đổi lớn đối với các chính sách công nghiệp của nước này như cắt giảm trợ cấp của chính phủ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về một “cơn bão” kinh tế toàn cầu có thể xảy ra khi dự báo tăng trưởng thế giới giảm xuống, viện dẫn nguyên nhân chính là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
KHẢ ANH