Mỹ -Trung và bài toán "du học sinh"

Thứ ba, 24/06/2014 10:58

(Cadn.com.vn) - Trung-Mỹ đang tìm hiểu về nhau hơn bao giờ hết, nhưng liệu đã đủ hay chưa?

Số lượng sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ ngày càng tăng, hiện tượng đáng ngạc nhiên trong giáo dục đại học. Đây là điều được chào đón bởi hứa hẹn mở ra tương lai cho quan hệ Mỹ-Trung. Kinh nghiệm, sự hiểu biết về văn hóa Mỹ của các du học sinh Trung Quốc sẽ góp phần nâng cao hiểu biết về lợi ích chung, tạo triển vọng hợp tác giữa hai cường quốc thế giới. Tuy nhiên, một số người không nghĩ như vậy.

Mất cân bằng

Hãy bắt đầu với những con số: Viện Giáo dục Quốc tế báo cáo có hơn 235.000 sinh viên Trung Quốc tại Mỹ trong năm học 2012-2013, tăng 21% so với năm trước. Số sinh viên Trung Quốc luôn dẫn đầu số sinh viên nước ngoài tại Mỹ trong 4 năm qua.

Đa số sinh viên theo học các ngành kinh doanh, kỹ thuật; ngành toán và các ngành khoa học cơ bản. Đây là những ngành mà các sinh viên quốc tế khác ít có xu hướng theo học. Chẳng hạn như tại Mỹ, trong năm 2011-2012, chỉ có 16% sinh viên tốt nghiệp các lĩnh vực này.

Đây là các ngành học chuyên về nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là các sinh viên Trung Quốc ít đến lớp, ít tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, và ít kết bạn với người Mỹ. Do đó, sinh viên Trung Quốc ít có kinh nghiệm và hiểu biết về văn hóa cũng như cuộc sống ở  Mỹ.

Dù số sinh viên Trung Quốc tăng gần đây, nhưng khó có thể hy vọng họ hội nhập nhanh chóng. Thêm vào đó, những sinh viên có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ những nơi mà nền văn hóa đại học khác biệt đáng kể. Năm học 2011-2012, chưa tới 15.000 người Mỹ học tại Trung Quốc, chỉ tăng 2% so với năm trước.

Và trong số này, chỉ có 2.200 người thực sự muốn có một bằng cấp ở Trung Quốc, trong đó đa số chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh. Thậm chí chương trình học giả Schwarzman - một loại học bổng Rhodes tham dự Đại học Thanh Hoa - cũng có tất cả các khóa học dạy bằng tiếng Anh.

Đơn giản là vì không nhiều người Mỹ có thể theo đuổi chương trình dạy bằng tiếng Trung. Gần đây, các chiến dịch như 100.000 sáng kiến của chính quyền Obama, được đưa ra nhằm gửi nhiều sinh viên Mỹ đến Trung Quốc học tiếng Hoa, nhằm giảm bớt sự mất cân bằng này. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm để đánh giá tác động của kế hoạch này.

Ngày càng có nhiều sinh viên đến học tại Mỹ. Ảnh: Diplomat

Không muốn về nước

Dù không rõ ràng nhưng có những dấu hiệu cho thấy, sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp tại Mỹ về nước không được chào đón như trước đây.

Một số tự hỏi liệu điều này là do chính quyền Bắc Kinh đã thay đổi nhanh chóng hay do sinh viên tốt nghiệp trở về không còn hiểu điều kiện làm việc tại địa phương theo cách mà họ cần. Thị trường lao động Trung Quốc dường như nghiệt ngã cho tất cả các sinh viên trong nước lẫn ngoài nước.

Một cuộc khảo sát của nhà kinh tế Gan Li đang trên tờ WSJ hồi năm ngoái kết luận, sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học trong độ tuổi từ 21-25 có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 4 lần so với những người bỏ học, cho thấy Trung Quốc không tạo ra đủ việc làm cho người có tay nghề cao. Một nghiên cứu khác cho thấy, sinh viên tốt nghiệp đại học với điểm cao không kiếm được nhiều tiền như những người bình thường.

WSJ cũng lưu ý, một cuộc thăm dò tại Đại học Thanh Hoa trong năm 2010 cho thấy, gần 1/3 sinh viên đại học Trung Quốc muốn làm việc cho doanh nghiệp nhà nước; 1/3 muốn làm việc cho chính phủ; và chỉ có 11% muốn kinh doanh riêng.

Không thể đổ lỗi cho họ bởi, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ đứng thứ 20 thế giới khi nói đến sự dễ dàng để khởi đầu một doanh nghiệp, Hồng Kông và Đài Loan xếp thứ 5 và 17, trong khi Trung Quốc đại lục xếp thứ 158. Và do đó, không có gì ngạc nhiên khi có đến 1,52 triệu sinh viên Trung Quốc đăng ký tham dự kỳ thi công chức hồi năm ngoái, bởi họ muốn tránh những rủi ro mà sinh viên tốt nghiệp đang phải đối mặt.

Kết quả là, các du học sinh không muốn về nước.

An Bình (Theo Diplomat)