Mỹ - Trung và một cuộc chiến khác

Thứ năm, 08/08/2019 11:19

Ngoài những căng thẳng đang leo thang trong cuộc chiến thương mại, Mỹ và Trung Quốc lại đang nhăm nhe lao vào một cuộc chiến khác: cuộc chiến chính trị.

Khi các chiến dịch đầu tiên của cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2020 đang diễn ra rầm rộ, một số chính trị gia nước này cáo buộc Trung Quốc tìm cách phối hợp với chính quyền tiềm năng của đảng Dân chủ trong tương lai “để chia rẽ nước Mỹ yêu quý của chúng ta như chưa từng có”. Những cáo buộc này vấp phải làn sóng phản ứng mạnh của Bắc Kinh. Giới truyền thông nước này thậm chí có những bài đăng phân tích nhấn mạnh, việc cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ là nhằm đảo lộn sự thật. Với họ, lời ngụy biện như vậy là một mũi tên trúng hai đích thông qua việc khiến người dân Mỹ hiểu sai rằng Bắc Kinh đang phối hợp với phe Dân chủ để tác động đến các cuộc bầu cử Mỹ nhằm có lợi cho Trung Quốc và phác họa chân dung các chính khách như “những người bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ”.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các chính khách Mỹ sử dụng chiến thuật chính trị này. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ hồi tháng 11-2018, một số quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ khi đó Kirstjen Nielsen đã kết luận cáo buộc này vô căn cứ, cho rằng, không có bất gì dấu hiệu nào cho thấy một thế lực nước ngoài tìm cách làm rối loạn cơ sở hạ tầng bầu cử của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết trong nhiều dịp khác nhau rằng Bắc Kinh luôn kiên định nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Trong 4 thập kỷ qua kể từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, Bắc Kinh luôn cố gắng hợp tác với các chính quyền Washington của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và đối xử bình đẳng.

Trớ trêu thay, Washington lại là “bậc thầy” trong việc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở các quốc gia khác. Theo một báo cáo thực hiện năm 2018, Dov Levin, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Chính trị và Chiến lược tại Đại học Carnegie Mellon, xác định Mỹ đã can thiệp 62 cuộc bầu cử nước ngoài từ năm 1946 đến 1989. Trường hợp gần đây là Venezuela. Sau cuộc đua Tổng thống Venezuela, Washington từ chối công nhận kết quả, ủng hộ phe nổi dậy và các nỗ lực đảo chính ở quốc gia Nam Mỹ này và đã áp đặt một cuộc phong tỏa kinh tế.

Khi cuộc đua tổng thống đang nóng lên, một số chính trị gia Mỹ có thể cần dành thêm một chút thời gian để quan tâm đến nhu cầu của cử tri, và ít thời gian làm chệch hướng sự chú ý của cử tri khỏi các vấn đề thực sự. Đó là lý do họ tìm đến yếu tố quan trọng: Trung Quốc.

THANH VĂN