Mỹ-Trung "vạch đường" tìm tiếng nói chung

Thứ tư, 17/11/2021 15:57

Sáng 16-11 (giờ Việt Nam), cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra theo hình thức trực tuyến đã kết thúc sau hơn 3 giờ thảo luận về những vấn đề căn bản và chiến lược. Đây là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm nay.

Tổng thống Joe Biden họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 15-11 (sáng 16-11, giờ Việt Nam). Ảnh: Reuters

Sự kiện được dư luận thế giới theo dõi sát và kỳ vọng về một kết quả tích cực, giúp hai cường quốc giảm leo thang căng thẳng. Theo truyền thông Trung Quốc, phái đoàn Trung Quốc tham gia hội đàm trực tuyến gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong và thành viên Bộ chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đinh Tiết Tường. Phái đoàn Mỹ gồm Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan.

Trong thông điệp gửi trước đó tới Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung, Chủ tịch Tập Cận Bình mô tả mối quan hệ song phương đang ở "thời điểm lịch sử quan trọng". Hai nhà lãnh đạo đã điện đàm hai lần kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, hội nghị này sẽ là cuộc thảo luận quan trọng nhất cho đến nay. Giới quan sát quốc tế không đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung lần này nhưng đánh giá sự kiện này rất quan trọng khi cả hai nhà lãnh đạo đều có ý định hàn gắn lại mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã lao dốc trong vài năm trở lại đây.

Phát biểu trong cuộc gặp trực tuyến, ông Biden cho rằng trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung là đảm bảo không để mối quan hệ giữa hai nước rơi vào xung đột mở rộng. Về phần mình, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định lập trường của Trung Quốc là muốn thúc đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung theo hướng tích cực, đồng thời mong muốn có một cuộc thảo luận toàn diện và trên nhiều lĩnh vực.

Cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đều kêu gọi phát triển quan hệ Mỹ-Trung lành mạnh và ổn định. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi lập trường xung quanh vấn đề cạnh tranh mạnh mẽ giữa hai nước về công nghệ và chính sách công nghiệp trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm tránh nguy cơ xảy ra xung đột quân sự. Hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về những mâu thuẫn, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác, bao gồm không phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định hai nước cần tôn trọng nhau, cùng tồn tại trong hòa bình, theo đuổi hợp tác cùng có lợi và giải quyết tốt các vấn đề nội địa trong lúc gánh vác trách nhiệm quốc tế. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden nêu rõ hai nước cần đảm bảo rằng quan hệ song phương không đi vào con đường xung đột. Ông Joe Biden khẳng định: "Trách nhiệm của chúng ta - với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ - là phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nước không dẫn tới xung đột, cho dù là trong dự định hay ngoài ý muốn. Nói đơn giản hơn, hai nước sẽ cạnh tranh thẳng thắn". Theo Tổng thống Mỹ, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới "cần thiết lập một số nhận thức chung", trong đó "đề cập rõ ràng và trung thực về những điểm bất đồng và hợp tác cùng nhau trong các vấn đề cùng có lợi, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng biến đổi khí hậu".

Dù không đạt nhiều kết quả đột phá, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung tạo ra hy vọng về sự cải thiện trong quan hệ hai nước sau nhiều tháng trong tình trạng mà các nhà quan sát gọi là "Chiến tranh Lạnh mới".

KHẢ ANH