Mỹ - Trung xoa dịu “cuộc chiến” thương mại

Thứ bảy, 19/05/2018 11:28

Đã có nhiều hoài nghi quanh “gói đề xuất 200 tỷ USD” của Trung Quốc này. Một số chuyên gia cảnh báo, đây có thể là “củ cà rốt” mà Bắc Kinh muốn chìa ra để thuyết phục Washington chấm dứt đe dọa áp thuế, dỡ bỏ các rào cản ngăn Cty nước này đầu tư vào Mỹ, nới lỏng quy định xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc.

Trung Quốc đã đánh thuế cao nhằm vào các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trị giá khoảng 4 tỷ USD gồm trái cây, các loại hạt, thịt heo, rượu vang...   Ảnh: SCMP

Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra những tuyên bố khác nhau về những gì đã được thảo luận trong các cuộc đàm phán cao cấp trong tuần này để tránh một cuộc chiến tranh thương mại đầy nguy hiểm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Chỉ vài giờ sau khi có động thái xuống nước với quyết định dỡ bỏ biện pháp chống phá giá đối với mặt hàng lúa miến của Mỹ, Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc cho rằng, nước này đã đưa ra gói đề xuất cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ lên đến 200 tỷ USD.

Hoài nghi quanh gói đề xuất khổng lồ

Vòng đàm phán thứ hai giữa các quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Donald Trump và những đồng sự người Trung Quốc đã bắt đầu diễn ra vào ngày 17-5 tại Bộ Tài chính Mỹ, tập trung vào việc cắt giảm thặng dư thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như cải thiện các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng, tại cuộc đàm phán lần này, Trung Quốc đề nghị với Tổng thống Trump một gói đề xuất mua các mặt hàng Mỹ khoảng 200 tỷ USD một năm. Theo các chuyên gia, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ được cho chính là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ đề xuất của Trung Quốc, nếu Tổng thống Trump chấp nhận. Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và đã bán khoảng 1/4 số lượng máy bay thương mại cho khách hàng Trung Quốc. Ngoài ra, gói 200 tỷ USD này có thể bao gồm việc bỏ một số thuế quan mà Bắc Kinh đánh vào các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trị giá khoảng 4 tỷ USD bao gồm trái cây, các loại hạt, thịt heo, rượu vang và lúa miến.

Rõ ràng, đây là một phần trong một nỗ lực nhằm giảm sự mất cân bằng thương mại lớn giữa hai nước. Theo Reuters, trong năm 2017, thâm hụt thương mại Mỹ-Trung đạt khoảng 375 tỷ USD. Vì vậy, gói đề xuất giảm thâm hụt thương mại này thật sự là tín hiệu đáng mừng với các nhà xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, đã có nhiều hoài nghi quanh gói đề xuất khổng lồ này. Một số chuyên gia cảnh báo, đây có thể là “củ cà rốt” mà Bắc Kinh muốn chìa ra để thuyết phục Washington chấm dứt đe dọa áp thuế, dỡ bỏ các rào cản ngăn Cty nước này đầu tư vào Mỹ, nới lỏng quy định xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc.

Và tại một cuộc họp báo thường xuyên ở Bắc Kinh hôm 18-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lu Kang cũng phủ nhận thông tin về gói đề xuất này. “Đây là những tin đồn không căn cứ”, ông Lu Kang nói.

Căng thẳng mức nào?

Lâu nay, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này chìm trong những tranh cãi gay gắt về thương mại, với những quyết định tăng thuế nhằm vào các sản phẩm của nhau.

Trong những năm qua, vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc được giới chức Mỹ coi là mối đe dọa sống còn. Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, mọi việc còn tồi tệ hơn nữa khi ông chủ Nhà Trắng lâu nay vẫn luôn cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp” việc làm của người Mỹ. Trong khi đó, nền kinh tế số 1 Châu Á cũng không còn mặn mà với vị thế “công xưởng của thế giới” trong lĩnh vực sản xuất giày dép và quần áo giá rẻ. Trung Quốc vì vậy muốn thách thức các nước phương Tây trong ngành công nghiệp công nghệ cao. Đó là mối lo lớn của Nhà Trắng và “Thung lũng Silicon”.

Tờ Washington Post từng có bài viết nhắm chỉ trích vào ông Trump khi cho rằng, “chiến tranh thương mại với Trung Quốc là ngọn lửa sẽ thiêu cháy Trump và cả nước Mỹ”. Nhưng tất nhiên, không chỉ Mỹ bị thiệt hại. Thực tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nếu xảy ra, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hai nước này mà còn sẽ thiêu đốt nền kinh tế toàn cầu.

Chuyến đi của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình về cải cách kinh tế, đến Mỹ vừa qua là nhằm mục tiêu xoa dịu những căng thẳng thương mại và tránh những kết cục khó lường cho nền kinh tế. Ông Lưu Hạc cũng đã có cuộc gặp Tổng thống Trump. Tuy nhiên, ông Trump bày tỏ sự nghi ngờ rằng, đàm phán thương mại với Trung Quốc sẽ làm ông hài lòng. Ông Trump nêu rõ: “Lý do khiến tôi nghi ngờ là vì Trung Quốc đã trở nên tồi tệ. Liên minh Châu Âu (EU) đã trở nên vô cùng tồi tệ. Các nước khác đã trở nên tồi tệ  là do họ luôn có được 100% bất kỳ điều gì họ muốn từ Mỹ”. Và ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Mỹ giờ đây sẽ không thể cho phép điều đó tiếp diễn.

KHẢ ANH