Mỹ “tung đòn” vào Iran

Thứ tư, 08/08/2018 11:00

Ngày 7-8, Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn, đơn phương nhằm vào Iran. Như vậy, các hình thức trừng phạt nghiêm khắc đã có hiệu lực trở lại, sau khi được dỡ bỏ tạm thời trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, đa phương mà Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ hồi tháng 5 vừa qua. Những biện pháp trừng phạt này sẽ có những tác động nhất định đối với Tehran, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đang rất được quan tâm. Ảnh: CNN

Kinh tế suy giảm

Các biện pháp tái trừng phạt đầu tiên nhằm trực tiếp vào việc thu mua ngoại tệ của Iran, đặc biệt là đồng USD, vàng và các kim loại có giá, tác động đáng kể đối với giao dịch đồng nội tệ rial của Iran và từ đó ảnh hưởng tới nợ công và ngành công nghiệp tự động của Iran. “Không có nghi ngờ gì rằng những biện pháp trừng phạt sẽ gây sức ép tài chính khủng khiếp lên Iran”, một quan chức cấp cao Mỹ trong cuộc điện thoại với báo giới cho biết. Khi những biện pháp trừng phạt đầu tiên được tái áp đặt có hiệu lực, nó sẽ ảnh hưởng nền kinh tế dễ bị tổn thương của Iran, đầu tiên là việc đồng nội tệ sẽ mất giá.

Ngay từ khi Tổng thống Trump tuyên bố muốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran, đồng rial của nước này đã bắt đầu mất giá. Tính đến cuối tháng   7-2018, đồng rial mất hơn nửa giá trị so với đồng USD so với 4 tháng trước đó. Đồng rial của Iran lần đầu tiên vượt ngưỡng 50.000 rial/USD vào tháng 3-2018. Tháng 4, chính phủ Iran đã nỗ lực điều chính tỷ giá lên 42.000 rial/USD nhằm ngăn chặn đồng nội tệ tiếp tục đà mất giá sau khi đã giảm giá trị tới hơn 30% trong 6 tháng trước đó. Nhưng việc điều hành tỷ giá đã không đem lại kết quả như mong đợi. Cuối tháng 7, đồng rial tụt xuống mức thấp kỷ lục là 100.000 rial/USD. Các biện pháp trừng phạt được tái áp đặt sẽ khiến Iran càng khó thu mua ngoại tệ hơn, đồng nội tệ rial rồi sẽ tiếp tục mất giá.

Sự mất giá của đồng rial đang gây ra sự hỗn loạn, đặc biệt đối với tầng lớp trung lưu Iran. Thất nghiệp tăng, đặc biệt là ở giới trẻ, lạm phát tăng cao do ảnh hưởng từ chi phí hàng hóa nhập khẩu, có tình trạng thiếu nước và điện do thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng sau nhiều năm trừng phạt. Ngoài ra, một khi các biện pháp trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt, nền kinh tế Iran chắc chắn sẽ không có được sự tăng trưởng như 2 năm trước.

 “Thay đổi hành vi của Tehran”

Ngay sau tuyên bố đe dọa thực thi tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran của ông Trump, một quan chức cấp cao của Mỹ giải thích rằng “chính sách đã được chúng tôi đưa ra không làm thay đổi chế độ, chính sách này nhằm thay đổi hành vi của chính quyền Iran”. Theo quan chức này, ông Trump vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran mà không cần điều kiện tiên quyết. Quan chức này nhấn mạnh: “Tổng thống đã nêu rõ rằng không có điều gì xảy ra, ông sẽ gặp lãnh đạo Iran bất cứ lúc nào” để thảo luận về một thỏa thuận hạt nhân khác nhằm “kiềm chế hành động xấu xa của họ”.

Trong động thái liên quan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cảnh báo việc Iran đóng cửa eo biển Hormuz là rất nguy hiểm và cho rằng nếu Iran muốn tránh việc tái áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ nên chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Trump để thương lượng, từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Ông Bolton đe dọa các nhà lãnh đạo của Iran sẽ bị cô lập nhiều hơn nếu họ không thay đổi hành động gây mất ổn định ở khu vực Trung Đông.

Phản ứng trước động thái mới nhất này, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng áp đặt các biện pháp trừng phạt chống nhân dân Iran là một cuộc chiến tranh tâm lý và sử dụng chúng cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ trong những tháng tới. Ông Rouhani nhấn mạnh Iran đã có được những kinh nghiệm tốt trước những sức ép như hiện nay, đồng thời khẳng định chỉ đối thoại với Mỹ có điều kiện.

 Tổng thống Rouhani kêu gọi các nước Châu Âu, Nga và Trung Quốc hành động thực tế hơn để đối phó với sức ép của Mỹ cũng như nỗ lực duy trì các thỏa thuận hạt nhân với Iran. Iran coi trọng việc mở rộng quan hệ với các nước Châu Á và mong muốn quan hệ gần gũi hơn với các nước EU. Ông Rouhani cũng trấn an người dân khi khẳng định, chính phủ đã đưa ra những biện pháp cần thiết để duy trì sự ổn định thị trường tiền tệ và cải thiện tình hình kinh tế.

Các Cty Châu Âu ảnh hưởng gì?

Trong khi đó, tại Anh, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi Alistair Burt cho rằng, các Cty Châu Âu có thể được bảo vệ khỏi những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran.

Phát biểu trên đài BBC, ông Alistair Burt nhấn mạnh, nếu một Cty lo sợ một thực thể thực thi hành động pháp lý chống lại họ do các biện pháp trừng phạt của Mỹ thì Cty đó có thể được bảo vệ trong khuôn khổ luật pháp của Liên minh Châu Âu (EU). Theo ông, việc các Cty có tiếp tục hoạt động tại Iran hay không là quyết định thương mại của họ.

Trong bối cảnh Washington khôi phục các biện pháp trừng phạt Iran, một bộ luật mới của EU nhằm bảo vệ các Cty Châu Âu cũng bắt đầu có hiệu lực để cố gắng giảm bớt điều mà giới chức EU cho là phạm vi bất hợp pháp ngoài biên giới Mỹ.

AN BÌNH