Mỹ ủng hộ Nhật, cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn biển Đông
(Cadn.com.vn) - Trong bài phát biểu tại ngày làm việc thứ hai của Đối thoại Shangri-La hôm 31-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cảnh báo, Nhà Trắng “sẽ không thể ngó lơ” khi Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế hoặc bỏ qua các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế, và có những động thái gây bất ổn ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Onodera tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters |
Nhấn mạnh các cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và bạn bè ở Châu Á, ông Hagel kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp quốc tế và đưa ra thông điệp thẳng thắn tới Trung Quốc. “Yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông đang gây bất ổn khu vực, và thất bại trong việc giải quyết tranh chấp với các quốc gia khác đe dọa tiến trình dài hạn của Đông Á”, AP dẫn lời ông chủ Lầu Năm Góc nói. Theo ông, việc Bắc Kinh đơn phương hành động ở biển Đông và biển Hoa Đông đang gây mất ổn định và chắc chắn Washington sẽ không làm ngơ khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức”.
“Tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, có một sự lựa chọn: đoàn kết, và tiến đến một trật tự khu vực ổn định, hoặc bỏ qua tất cả cam kết để gây đe dọa hòa bình và an ninh cho hàng tỷ người trên khắp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trên toàn thế giới”, ông Hagel nói. |
Ông Hagel cáo buộc Trung Quốc hạn chế Philippines tiếp cận bãi Scarborough, gây sức ép lên sự hiện diện lâu nay của Manila. Và nghiêm trọng nhất là việc kéo giàn khoan dầu Hải Dương 981 đến vùng biển của Việt Nam. Từ lâu Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền, nhưng Washington hiện ra tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với kế hoạch “an ninh mới” của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tái định hình vai trò của quân đội Nhật Bản.
“Mỹ ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm “tái định hướng vị thế của hoạt động phòng vệ tập thể nhắm giúp xây dựng một trật tự khu vực hòa bình và ổn định”, ông Abe nói tại Đối thoại Shangri-La. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, để góp sức cho nỗ lực của Tokyo, cả hai quốc gia đồng minh chủ chốt ở Châu Á “đã lần đầu tiên trong vòng gần 20 năm qua bắt đầu xem xét lại đường lối quốc phòng”.
Thanh Văn