Mỹ và bài toán rút quân khỏi Hàn Quốc
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, khi còn cầm quyền, đã muốn rút quân đội Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông thất bại do những phản đối từ Quốc hội và Lầu Năm Góc.
Ngày 29-6-1979, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee (phải) tiễn người đồng cấp Mỹ Jimmy Carter về nước sau 2 ngày đàm phán gay cấn về việc rút binh sĩ Mỹ ra khỏi quốc gia Châu Á này. Ảnh: The Diplomat |
Sau thành công của hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây bất ngờ với tuyên bố sẽ ngừng tập trận quân sự thường niên với Hàn Quốc, như một cách để lấy lòng Bình Nhưỡng, quốc gia vốn coi các cuộc tập trận này là hành động khiêu khích và diễn tập cho cuộc xâm lược Triều Tiên.
Trong bối cảnh tiến trình đối thoại với Triều Tiên đang diễn ra thuận lợi, ngày 17-6, một nguồn tin giấu tên từ chính quyền Hàn Quốc cho biết, nước này và Mỹ dự kiến sẽ thông báo quyết định ngừng các cuộc tập trận chung trong tuần tới. Theo nguồn tin, Mỹ-Hàn có thể sẽ đưa thêm vào quyết định này điều khoản “rút lại”, nghĩa là hoạt động tập trận sẽ được nối lại nếu chính quyền Triều Tiên không thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa. Nhưng có một vấn đề sống còn hơn nữa trong mối quan hệ Mỹ-Hàn: đó là việc ông Trump đã bộc lộ ý định muốn rút toàn bộ binh sĩ ở Hàn Quốc về nước sau gần 70 năm hiện diện.
Từ thời Jimmy Carter...
Vấn đề Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc không phải là lần đầu tiên được nêu ra. Và chắc chắn, đây cũng không phải lần cuối, khi tình hình ở Đông Bắc Á vẫn còn nóng lên trong thời gian tới. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, khi còn cầm quyền, đã muốn rút quân đội Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên.
Ngay trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1976 - cùng năm mà 2 binh sĩ Mỹ bị binh sĩ Triều Tiên bắn chết trong khu phi quân sự - ông Carter liên tục nhấn mạnh muốn rút 40.000 lính Mỹ (trong số đó chỉ có 15.000 lính chiến) từ Hàn Quốc về nước. Ví dụ, tại một bữa ăn trưa của Hiệp hội Chính sách Đối ngoại, ông Carter tuyên bố: “Tôi tin rằng sẽ có thể rút quân khỏi Hàn Quốc trên cơ sở từng giai đoạn trong một khoảng thời gian được xác định sau khi tham vấn với cả Hàn Quốc và Nhật Bản”.
Trong những phát biểu của mình, ông cũng đề cập đến một trong những động cơ chính cho việc rút quân: “Tôi phải nói rõ với chính phủ Hàn Quốc rằng, sự áp bức nội bộ của họ gây khó khăn cho nhân dân chúng ta, và làm suy yếu sự ủng hộ của chúng ta”. Tuyên bố của ông Carter lúc đó là nhắm đến Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee – nhân vật không được lòng Mỹ với các cáo buộc vi phạm nhân quyền, trấp áp những đối thủ chính trị. Tuy nhiên, ông Park Chung-hee không phải là lý do duy nhất mà Hàn Quốc không được lòng Mỹ vào thời điểm đó. Năm 1976, Seoul trực tiếp liên quan đến cái được gọi là “Koreagate”, vụ bê bối chính trị liên quan đến vận động hành lang, hối lộ các thành viên của Quốc hội Mỹ để giành quyền lợi ưu đãi cho lợi ích của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, cuối cùng, sự phản đối của Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo khiến ông Carter không thể thực hiện việc này.
...đến thời Donald Trump
Và giờ đây, vấn đề này lại một lần nữa được nói đến. Và câu hỏi đặt ra là làm thế nào liệu Washington có hành động như vậy hay không và liệu Quốc hội Mỹ cũng như Seoul có thể ngăn chặn Tổng thống Trump hay không.
Tổng thống Trump dường như đang rất muốn rút 28.500 lính Mỹ hiện đang đóng quân tại Hàn Quốc về nước. Thực tế là, Tổng thống Trump, ngay sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12-6, khi được hỏi về vấn đề này, cũng đưa ra câu trả lời khó hiểu mang đậm phong cách phát ngôn của ông. Theo các nguồn tin, ông Trump đã nói sẽ “không cắt giảm gì cả” ở Hàn Quốc, nhưng ngay sau đó lại nói rằng, dần dần ông muốn thấy “ít người Mỹ hơn” ở nước này. Ông Trump cũng khác hoàn toàn ông Carter.
Với Tổng thống Trump, rút quân sẽ mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm ngân sách bởi ông xem đây là một gánh nặng với nước Mỹ. Theo ông Trump, Hàn Quốc phải tự trang trải lấy chi phí quốc phòng của mình. Ngoài ra, đây còn là cử chỉ thiện chí lớn mà ông Trump muốn gửi đến Bình Nhưỡng. Và giới phân tích cũng cho rằng, việc duy trì số lượng 23.500 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc như hiện nay không còn phù hợp với diễn biến chính trị tại bán đảo Triều Tiên: đó là tìm kiếm một hiệp định hòa bình cho khu vực này sau gần 70 năm vẫn sống trong tình trạng chiến tranh.
KHẢ ANH