Mỹ và kế hoạch rời Afghanistan
(Cadn.com.vn) - Giới chức quốc phòng Mỹ đang tính đến các phương án rút quân mới ra khỏi Afghanistan, trong đó xem xét đến cả việc duy trì hàng ngàn binh sĩ Mỹ tại quốc gia Nam Á này đến cuối năm 2016.
Trên thực tế, các quốc gia đồng minh của Mỹ trong liên minh quân sự NATO đang ngày càng thận trọng trước những kế hoạch của Lầu Năm Góc nhằm giảm sự hiện diện quân sự tại Afghanistan. Việc xem xét để lại hàng ngàn binh lính Mỹ tại Afghanistan cho đến cuối năm 2016 được đánh giá là sự khởi đầu cho kế hoạch chỉ để lại một lực lượng nhỏ vài trăm binh sĩ Mỹ ở chiến trường này.
Theo tờ WSJ, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan, tướng John Campbell đã gửi 5 khuyến nghị khác nhau lên Lầu Năm Góc và các quan chức NATO ở Brussels. Các phương án đó là: Mỹ giữ nguyên sự hiện diện quân sự ở mức 10.000 người hoặc gần 10.000; giảm nhẹ xuống còn 8.000 người; cắt giảm khoảng một nửa quân số hoặc tiếp tục các kế hoạch hiện nay rút xuống còn khoảng vài trăm binh sĩ đến cuối năm 2016. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện vẫn chưa chính thức gửi phương án về sự thay đổi hiện diện quân sự tại Afghanistan đến Nhà Trắng song giới chuyên gia nhận định, Lầu Năm Góc sẽ sớm thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Tổng thống Barack Obama hồi tháng 3 tuyên bố, Mỹ sẽ giữ 9.800 quân tại Afghanistan cho đến cuối năm 2016 theo yêu cầu của Tổng thống Ashraf Ghani, đánh dấu sự thay đổi trong lộ trình rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. "Afghanistan vẫn là nơi rất nguy hiểm", ông Obama giải thích cho quyết định bất ngờ của mình.
Ông chủ Nhà Trắng trước đó cam kết sẽ chỉ để lại một lực lượng nhỏ ở Afghanistan, có thể chỉ làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Kabul vào thời điểm ông rời Nhà Trắng. NATO và Mỹ hiện đang có một lực lượng kết hợp của khoảng 13.000 quân ở Afghanistan, chủ yếu là tham gia đào tạo và hỗ trợ sau khi kết thúc sứ mệnh chiến đấu hồi năm 2014. Tuy nhiên, một số quan chức quan ngại, nếu cắt giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan quá nhiều có thể khiến chính phủ nước sở tại chịu sức ép ngày càng gia tăng từ Taliban và các nhóm phiến quân khác, đặc biệt là quân Hồi giáo cực đoan IS.
Những bài học về việc rút quân khỏi Iraq năm 2011 và sự trỗi dậy của nhóm Hồi giáo cực đoan IS đang ám ảnh Afghanistan. Thật vậy, một số quan chức lo ngại, quân đội Iraq đáng lẽ có thể đẩy lùi cuộc tấn công của IS hồi năm 2014 hiệu quả hơn nếu Washington duy trì ít nhất vài ngàn cố vấn quân sự ở nước này. Người ta lo ngại, nếu Mỹ ồ ạt rút quân sẽ làm tăng nguy cơ sụp đổ của Afghanistan đến "mức không thể chấp nhận".
Tuy nhiên, bất kỳ quyết định rút quân nào của Mỹ đều được NATO theo dõi chặt chẽ, bởi nó có liên quan đến sự hiện diện quân sự của liên minh này ở Afghanistan. Một số quan chức liên minh nói rằng, sự hiện diện quân sự lớn hơn của Lầu Năm Góc ở chiến trường Nam Á này có thể giúp họ giữ mức quân và số căn cứ quân sự hoạt động tại đây như hiện nay.
Thanh Văn