Mỹ xoa dịu Pháp sau bê bối nghe lén
(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25-6 lên tiếng xoa dịu đồng minh Pháp khi tuyên bố, Washington từ lâu đã chấm dứt việc nghe lén nguyên thủ các nước.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande, 1 ngày sau khi trang mạng WikiLeaks công bố tài liệu cáo buộc Mỹ nghe trộm điện thoại các nhà lãnh đạo Pháp, Tổng thống Barack Obama đảm bảo, Washington không còn nghe lén các nhà lãnh đạo Châu Âu nữa.
Người dân Pháp xuống đường ở thủ đô Paris, biểu tình phản đối việc Mỹ do thám |
“Chúng tôi đã chấm dứt việc nghe lén”
AFP dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, ông Obama tái khẳng định rằng, “chúng tôi tuân thủ cam kết đưa ra với những người đồng cấp Pháp vào cuối năm 2013, theo đó không và sẽ không nhắm đến các hoạt động liên lạc của Tổng thống Pháp".
Văn phòng Tổng thống Pháp cũng ra tuyên bố tương tự. “Tổng thống Obama tái khẳng định về cam kết vững chắc, chấm dứt những hành động trong quá khứ, vốn là những hành động không thể chấp nhận giữa các đồng minh”. Tuyên bố cũng cho biết, giới chức tình báo Pháp sẽ sớm đến Washington để tăng cường sự hợp tác giữa 2 nước. Dù Nhà Trắng trả lời không nhắm mục tiêu vào ông Hollande và sẽ không làm như vậy trong tương lai, nhưng cũng không bình luận về các hoạt động trong quá khứ. Tuyên bố này khiến nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange cho rằng, đã đến lúc các chính phủ Châu Âu phải có hành động pháp lý đối với các hoạt động do thám của Mỹ.
Nước Pháp vẫn chao đảo trong ngày 25-6, nhất là sau những tiết lộ chấn động của WikiLeaks, Quốc hội Pháp thông qua luật do thám mới gây tranh cãi, theo đó trao thẩm quyền sâu rộng cho các cơ quan chức năng do thám công dân nước này. Luật mới sẽ cho phép các giới chức do thám các thông tin liên lạc qua điện thoại di động hoặc thiết bị kỹ thuật số của bất kỳ cá nhân nào liên quan đến một cuộc điều tra “khủng bố” mà không cần tòa án cho phép.
Phát biểu trước Quốc hội sau khi các nghị sĩ thông qua luật này, Thủ tướng Manuel Valls cho biết, hành động của Washington “cấu thành một sự vi phạm rất nghiêm trọng của tinh thần tin cậy lẫn nhau” và Pháp sẽ yêu cầu một “bộ quy tắc ứng xử” mới về các vấn đề tình báo.
“Mèo nào cắn mỉu nào”
Ngay sau khi WikiLeaks công bố tài liệu được Mỹ dán nhãn “tuyệt mật”, ông chủ Điện Élysee triệu tập các bộ trưởng hàng đầu và các quan chức tình báo để thảo luận về những tiết lộ gây chấn động này. Bộ Ngoại giao Pháp cũng triệu tập đại sứ Mỹ cho một lời giải thích chính thức.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Paris cũng “không phải dạng vừa”. Theo tờ New York Times, Pháp từ lâu đã nổi tiếng với hệ thống gián điệp rất mạnh, đặc biệt là trong các vấn đề thương mại và kinh tế. Trên thực tế, theo những tiết lộ trước đây, Cơ quan Tình báo Mỹ (NSA) nắm giữ số lượng lớn các siêu dữ liệu thuộc các công dân Châu Âu, và thậm chí do thám cả Thủ tướng Đức Chancellor Angela Merkel. Paris và các đồng minh Châu Âu khác mạnh mẽ chỉ trích Washington. Tuy nhiên, như nhiều nguồn quan sát, những phàn nàn của Pháp chỉ là “thùng rỗng kêu to” do lịch sử lâu dài của chính Paris chống lại các đồng minh – vì lợi ích đặc biệt của các Cty và doanh nghiệp.
Năm 2011, báo Aftenposten của Na Uy công bố điện tín ngoại giao của Mỹ cho thấy, “những điệp viên Pháp gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho Đức, hơn cả gián điệp Trung Quốc hoặc Nga”. Một nhà lãnh đạo của Cty Đức được trích dẫn gọi Pháp là “quỷ vương” về hành vi trộm cắp công nghệ, và Đức biết điều đó. Vào năm 1992, tờ Philadelphia Inquirer dẫn lời một cựu Giám đốc Cục tình báo Mỹ (CIA) cho biết, Pháp là “dịch vụ ăn trộm” tinh vi nhất thế giới hiện nay. Tờ báo lưu ý, Paris tập trung vào “các mục tiêu kinh tế như công nghệ sợi quang, các chiến lược tiếp thị và các thương vụ đấu thầu kín trên toàn thế giới”.
Thậm chí, năm 1991, Air France cáo buộc tình báo Pháp đặt máy ghi âm trong máy bay của hãng để do thám người đứng đầu của Cty khi họ đi du lịch.
Khả Anh