Mỹ yêu cầu Nga giải thích hành động ở biên giới Ukraine

Thứ tư, 07/04/2021 15:02

Mỹ nhận thấy báo cáo Nga điều quân đến biên giới Ukraine là "đáng tin", đã yêu cầu Moscow giải thích "hành vi khiêu khích" này và sẵn sàng can dự, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hôm 5-4.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố, Washington yêu cầu Nga giải thích "các động thái khiêu khích" tại biên giới với Ukraine. Ảnh: AP

* Trong diễn biến liên quan, sau cái chết của một trẻ em ở Donetsk do một cuộc tấn công của lực lượng Ukraine với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin đã lên án chính quyền Kiev, cho rằng, "hành động của họ là nhằm đe dọa người dân, gia tăng căng thẳng trong khu vực", "làm trầm trọng thêm cuộc xung đột".

Ông kêu gọi Ukraine thực hiện gói biện pháp Minsk. Nghị sĩ này nhắc nhở chính quyền Kiev đến thực tế rằng, bản thân Mỹ đã không giúp đỡ nền kinh tế Ukraine trong bất kỳ hình thức nào trong 7 năm qua, trong khi "quốc gia này đã mất chủ quyền ở hầu hết các lĩnh vực". Theo lời ông, "ngay cả khi Mỹ tính một khoản thanh toán để bảo vệ từ các đối tác NATO của mình, họ sẽ yêu cầu một mức giá gấp 3 từ Ukraine".

Mỹ quan ngại

Thông tin Nga điều khí tài quân sự ồ ạt đến biên giới Đông Ukraine đã trở thành điểm nóng mới nhất trong quan hệ Washington - Moscow chưa đầy 3 tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Nhà Trắng quan ngại về hành động của Nga nhằm uy hiếp Ukraine, bất kể việc làm này diễn ra trên lãnh thổ Nga hay ở Ukraine. Theo ông Price, phía Mỹ đã nhận được thông tin "đáng tin cậy" về hoạt động di chuyển lực lượng của Nga giáp biên giới Ukraine thời gian gần đây. "Chúng tôi đã yêu cầu Nga giải thích về những nước đi khiêu khích này. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi đã phát thông điệp trấn an đối với các đối tác ở Ukraine", ông Price nói thêm. Ông Price từ chối bình luận về việc liệu Washington có nghi ngờ Moscow đang chuẩn bị để xâm chiếm Ukraine hay không.

Sau đó cùng ngày, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang để mở khả năng tham gia vào tình hình, mô tả báo cáo Nga điều quân đến biên giới Ukraine và bán đảo Crimea là "đáng tin". Theo phát ngôn viên, động thái điều quân này vi phạm lệnh ngừng bắn ra đời vào tháng 7-2020. "Chúng tôi yêu cầu Nga kiềm chế những hành động leo thang căng thẳng", người này nhấn mạnh.

Những bình luận trên được đưa ra theo sau cuộc điện đàm hôm 2-4 mà trong đó, Tổng thống Biden tái khẳng định "sự ủng hộ mạnh mẽ" dành cho người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong xung đột giữa Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbas. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định với các phóng viên rằng chính quyền Tổng thống Biden đang theo dõi sát sao "những hành vi gần đây của Nga và những nước đi của họ khiến căng thẳng leo thang ở Đông Ukraine".

Nga- Mỹ đang đối thoại

Ngày 5-4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow và Washington đang tiến hành đối thoại cấp cao về tình hình Ukraine. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã thông báo với các phóng viên rằng, phía Nga đang liên lạc với người Mỹ. Việc này được thực hiện ở cấp cao. Người Mỹ bày tỏ mối quan tâm của họ với Nga. Theo lời ông, Mỹ cần quan tâm không phải là những gì Nga đang tiến hành, mà là hành vi không chấp nhận được của Kiev, không đơn giản là không thực hiện gói các biện pháp Minsk, mà bằng hình thức thách thức hơn - phủ nhận những thỏa thuận này. Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh rằng, "nếu các đồng nghiệp Mỹ lo lắng về điều này, nó sẽ thực sự giúp ổn định tình hình". Ông lưu ý, Nga đang thực hiện trên lãnh thổ của mình những biện pháp mà nước này cho là cần thiết.

Trước đó, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5-4 nói rằng việc di chuyển lực lượng, vũ khí, khí tài bên trong lãnh thổ Nga là nhằm thích ứng với các yêu cầu cần thiết, để bảo đảm vững chắc an ninh của đất nước. Các bên không nên lo ngại về điều này, bởi Nga không bao giờ là mối đe dọa với các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Ukraine.

AN BÌNH