Mỹ – Iran cùng “vượt khó”
(Cadn.com.vn) - Khả năng tan băng quan hệ Mỹ-Iran được cho là phụ thuộc vào hai bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Barack Obama và người đồng cấp Hassan Rouhani tại phiên họp Đại hội đồng LHQ khai mạc vào ngày 24-9 (giờ Mỹ).
CƠ HỘI VÀNG
Phiên họp của LHQ lần này được cho là cơ hội vàng cho cả Iran và Mỹ, trong nỗ lực cải thiện quan hệ vốn bị cắt đứt từ năm 1980.
Ngay khi vừa đặt chân đến Mỹ hôm 23-9, Tổng thống Rouhani tuyên bố sẽ sử dụng phiên họp này để giới thiệu “diện mạo thật của Iran”, đồng thời theo đuổi các cuộc đàm phán và hợp tác với phương Tây để chấm dứt những tranh cãi xoay quanh vấn đề hạt nhân của Tehran. “Thật không may, bộ mặt của Iran - nước lớn và văn minh, được thể hiện theo một cách khác trong suốt thời gian qua. Tôi sẽ tận dụng cơ hội này để giới thiệu diện mạo thực của một quốc gia văn minh và yêu chuộng hòa bình”, tân Tổng thống Iran nói.
Tổng thống Iran đến New York, Mỹ hôm 23-9. Ảnh: AFP |
Kể từ khi lên nhậm chức, ông Rouhani không ngừng nỗ lực cải thiện hình ảnh quốc gia từng bị gán ở “trục ma quỷ”. Giới phân tích nhận định, sự thay đổi này bắt nguồn sự thất vọng của người dân vì lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế. Nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu Iran có sẵn sàng thực hiện các bước Mỹ mong muốn để giảm bớt các biện pháp trừng phạt, bao gồm hạn chế làm giàu uranium và đóng cửa các cơ sở hạt nhân ngầm Fordo, hay không. Việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tham dự một cuộc họp trong tuần này tại New York, với người đồng cấp Iran Javad Zarif cùng 5 ủy viên thường trực HĐBA LHQ và Đức (nhóm P5+1), là để đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Đáp lại tấm lòng của ông Rouhani, Nhà Trắng úp mở khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai Tổng thống Obama và Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần này. Có thể bài phát biểu của ông Rouhani diễn ra vào buổi trưa 24-9 (rạng sáng 25-9, giờ Việt Nam) sẽ quyết định “vận mệnh” cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng cho các nhà lãnh đạo Mỹ và Iran – vốn chưa từng có bất kỳ cuộc gặp mặt đối mặt nào trong hơn 30 năm qua. Cơ hội có thể xuất hiện tại buổi ăn trưa sau đó, khi cả ông Obama và Rouhani đều tham dự.
IRAN CÓ THÀNH CÔNG?
Với nỗ lực mở cánh cửa ngoại giao cho Iran, Tổng thống Obama đang thể hiện sự sẵn sàng tham gia với chính phủ mới của quốc gia Hồi giáo nếu Tehran có sự nhượng bộ về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi bấy lâu nay. Tuy nhiên, khó khăn đã xuất hiện khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh báo về sự nguy hiểm trong mối quan hệ với Mỹ. Vậy liệu IGRC có ngăn cản nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ của Tổng thống Rouhani?
Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei nhiều lần tuyên bố, nhiệm vụ của tất cả các trung tâm quyền lực ở Iran là phải hỗ trợ chính phủ ông Rouhani. Trong động thái bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ chưa từng có đối với những nỗ lực của Tổng thống Rouhani, Lãnh tụ Khamenei nói rằng, Tehran sẵn sàng chứng tỏ sự “linh hoạt khác thường”. Tuy nhiên, IRGC lại tỏ ra thận trọng hơn trong ván bài với Mỹ khi nói rằng “linh hoạt khác thường” không nên được hiểu là “bỏ qua những quyền lợi cơ bản”. “Linh hoạt khác thường, không bao gồm thụ động hoặc đầu hàng”, tướng Hossein Salami, Phó Tư lệnh IRGC khẳng định.
Những người có tư tưởng cứng rắn ở Iran ngày càng lo ngại về lời hứa nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây của tân Tổng thống, nhất là khi ông Rouhani muốn mang lại “sự minh bạch mới” trong cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran - sẽ ảnh hưởng tư tưởng cách mạng. Trước tình hình này, Lãnh tụ Khamenei và ông Rouhani đánh tiếng nhắc nhở IRGC rằng, quân đội hay lực lượng an ninh đều bị cấm tham gia chính trị. Mặc dù có dấu hiệu cằn nhằn từ một số cấp chỉ huy, IRGC ra tuyên bố nói rằng “sẽ ủng hộ những sáng kiến phù hợp với lợi ích quốc gia và các chiến lược đề ra của thủ lĩnh tinh thần tối cao Ali Khamenei”.
Nhưng liệu có quá sớm khi nói rằng, cánh cửa cải thiện quan hệ với Mỹ đang rộng mở cho Iran?
Khả Anh