Myanmar: Khủng hoảng leo thang

Thứ tư, 31/03/2021 15:22

Gần hai tháng sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, tình hình hỗn loạn chưa có dấu hiệu chấm dứt, khi biểu tình vẫn sục sôi và ngày càng nhiều người thương vong.

Biểu tình ở Yangon Myanmar hôm 27-3. Ảnh: AP

Ít nhất 510 người thiệt mạng

Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar (AAPP) hôm 29-3 cho biết, đã có ít nhất 510 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội tiếp quản quyền lực kể từ cuộc chính biến ngày 1-2 vừa qua. Riêng ngày 29-3, đã có thêm 14 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 8 người thiệt mạng tại thành phố Yangon. Theo các nhân chứng, lực lượng an ninh tại Yangon đã dùng một loại vũ khí hạng nặng để phá hủy hàng rào được dựng lên từ các bao cát. Vẫn chưa rõ vũ khí được sử dụng là loại vũ khí nào. Truyền hình nhà nước Myanmar cho biết, lực lượng an ninh đã sử dụng “các công cụ chống bạo động” để giải tán “đám đông những kẻ bạo lực” và một người đã bị thương. Cảnh sát và quân đội hiện chưa phản hồi về thông tin trên. Tại thành phố miền trung Myingyan cũng có 2 người thiệt mạng, nhà hoạt động Moe Myint Hein cho biết.

Hôm 27-3, quân đội Myanmar bị cáo buộc dùng vũ lực để trấn áp người biểu tình tại hơn 40 địa điểm khắp cả nước, chủ yếu ở Mandalay và Yangon. Liên Hợp Quốc cho biết số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ngày 27-3 – ngày đẫm máu nhất, đã lên tới 141 người. Bất chấp con số thương vong gia tăng, hàng nghìn người vẫn đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình.

Trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ cuối tuần qua, trong đó có vài đứa trẻ 13 tuổi và một đứa bé 5 tuổi. Nhân chứng và những người sống sót đã kể lại cảnh tượng lực lượng an ninh xả súng vào các khu dân cư đông đúc ở các thành phố lớn như Yangon và Mandalay.

Mỹ đình chỉ mọi giao dịch thương mại

Nhà Trắng đã lên án việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình tại Myanmar, đồng thời kêu gọi khôi phục nền dân chủ tại quốc gia này. Ngày 29-3, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thông báo, Mỹ đình chỉ ngay lập tức toàn bộ giao dịch thương mại với Myanmar theo Thỏa thuận khung Đầu tư và Thương mại 2013 cho đến khi chính phủ dân sự nắm quyền trở lại.

Thỏa thuận khung Đầu tư và Thương mại 2013 được Mỹ và Myanmar ký hồi tháng 5-2013 dưới thời chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và chính quyền cựu tổng thống Myanmar Theinin Sein. Theo đó, hai nước hợp tác để đưa ra các sáng kiến nhằm hỗ trợ chương trình cải cách và thúc đẩy phát triển một cách toàn diện vì lợi ích của người dân Myanmar, đặc biệt là người nghèo. Trong thông cáo phát đi ngày 29-3, bà Katherine Tai nhấn mạnh: "Mỹ ủng hộ nỗ lực của người dân Myanmar nhằm khôi phục chính quyền dân sự đã tạo dựng đà phát triển kinh tế và cải cách cho Myanmar. Mỹ mạnh mẽ lên án các hành động bạo lực chống lại dân thường". Quyết định của Washington đưa ra không lâu sau khi ít nhất 114 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình đẫm máu nhất gần 2 tháng qua ở Myanmar vào hôm 27-3. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Myanmar.

Quốc tế quan ngại

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng của hàng chục quốc gia, gồm Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản đã ra tuyên bố chỉ trích cuộc trấn áp biểu tình đẫm máu cuối tuần qua của quân đội Myanmar. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng hối thúc chính quyền quân sự Myanmar chấm dứt “đàn áp các cuộc biểu tình”. "Chúng tôi kêu gọi Lực lượng Vũ trang Myanmar dừng ngay bạo lực và nỗ lực khôi phục sự tôn trọng, tín nhiệm đối với người dân Myanmar đã bị mất sau hàng loạt hành động của họ", tuyên bố cho hay.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab mô tả cuộc trấn áp đẫm máu hôm 27-3 đã đẩy quân đội Myanmar xuống "mức thấp mới", trong khi Liên minh Châu Âu (EU) coi đó là "điều không thể chấp nhận". Các nguồn tin ngoại giao ngày 29-3 cho biết Anh đã kêu gọi triệu tập Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn cấp về tình hình tại Myanmar. Theo nguồn tin trên, 15 thành viên HĐBA sẽ bắt đầu phiên họp kín vào ngày 31-3 và lắng nghe báo cáo tình hình của đặc phái viên LHQ về Myanmar, ông Christine Schraner Burgener.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã hoan nghênh các nỗ lực của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tại Myanmar. Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi đang ở thăm Nhật Bản, hai ngoại trưởng đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm cải thiện tình hình. Nhật Bản là nước không cùng với Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt trừng phạt Myanmar. Chánh Văn phòng nội các Katsunobu Kato ngày 29-3 cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ nghiên cứu "các biện pháp có thể giúp bình ổn tình hình".

Về phía Nga, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày cho biết Nga "rất lo ngại" về tình hình tại Myanmar. Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho rằng cần thời gian để Myanmar giải quyết vấn đề hiện nay và hối thúc ASEAN đóng một vai trò trong việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

AN BÌNH