Myanmar sẽ đi về đâu?

Thứ bảy, 10/04/2021 22:00

Hơn 2 tháng sau khi quân đội Myanmar đảo chính, theo các nguồn tin của các hãng truyền thông, hơn 600 người, trong đó có 40 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bị trấn áp. Trong khi đó, lãnh đạo được dân bầu, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc vi phạm luật bí mật nhà nước, một điều luật có từ thời thuộc địa, tội nặng nhất bà bị cáo buộc cho tới nay. Với cáo buộc mới, bà Aung San Suu Kyi có thể bị kết án 14 năm tù.

Đại sứ Myanmar tại Anh Kyaw Zwar Minn bên ngoài trụ sở Đại sứ quán ở London ngày 8-4.     Ảnh: Skynews

Tuy nhiên, tình hình cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Người biểu tình tiếp tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự và yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân cử. Thị trấn Taze ở miền tây bắc nước này trở thành điểm nóng xung đột trong ngày 8-4. Theo trang Myanmar Now, 6 xe tải chở binh sĩ đã đến thị trấn Taze. Khi những người biểu tình ở đây chống trả bằng súng tự chế, dao găm và bom xăng, quân đội đã điều thêm 5 xe tải chở lính tiếp viện. Ít nhất 11 người biểu tình thiệt mạng trong vụ đụng độ, trong khi khoảng 20 người bị thương.

Trong động thái mới nhất, theo AFP, Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener chuẩn bị đến Thái Lan và Trung Quốc để thúc đẩy nỗ lực ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Chuyến đi diễn ra sau khi LHQ cáo buộc an ninh Myanmar dùng ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng trấn áp biểu tình, khi số người chết đã tăng lên hơn 600. Những vũ khí hạng nặng được lực lượng an ninh Myanmar sử dụng để đối phó với người biểu tình bao gồm súng phóng lựu, lựu đạn mảnh, súng máy và súng bắn tỉa, các quan chức LHQ cho biết.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), một nhóm giám sát địa phương, trước đó cũng cho hay trong cuộc trấn áp tại thị trấn Kale hôm 7-4, lực lượng an ninh Myanmar đã ném lựu đạn và bắn súng máy vào đám đông biểu tình, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng. Các nhân viên cứu hộ cho biết, tình trạng đổ máu tiếp tục diễn ra khi lực lượng an ninh phá dỡ chướng ngại vật người biểu tình dựng lên tại thành phố Bago, cách Yangon 65km về phía đông bắc, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Ngoài ra, theo số liệu của AAPP, có 2.847 người hiện đang bị giam giữ. Chính quyền Myanmar đang nhắm tới một số người có ảnh hưởng như nghệ sĩ. Trong ngày 8-4, Reuters đưa tin quân đội đã bắt giữ Paing Takhon, người mẫu kiêm diễn viên nổi tiếng, đã lên tiếng phản đối cuộc đảo chính. Trước đó ngày 6-4, diễn viên hài nổi tiếng nhất nước là Zarganar cũng bị bắt.

Trong khi đó, ở bên ngoài Myanamar, "khủng hoảng" tại Đại sứ Myanmar ở Anh chứng kiến diễn biến mới, trong một tuyên bố ngày 9-4, London cho biết sẽ cho phép Đại sứ Myanmar tại Anh Kyaw Zwar Minn ở lại nước này sau khi ông bị bãi nhiệm. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ: "Chúng tôi lên án việc quân đội Myanmar ở London ngăn cản Đại sứ của họ vào đại sứ quán tối 7-4. Chúng tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của ông Kyaw Zwar Minn đã đứng lên vì người dân Myanmar". Theo Bộ Ngoại giao Anh: "Đối với hành động hăm dọa ông Minn, chúng tôi đang tìm cách nhằm đảm bảo ông ấy có thể sống an toàn tại Anh trong thời gian ông ấy quyết định về tương lai của mình". Trước đó, hôm 7-4, ông Kyaw Zwar Minn bị từ chối cho vào Đại sứ quán và các nguồn tin cho hay, Phó Đại sứ Chit Win không cho phép ông vào trụ sở cơ quan cũng như đã thay mặt chính quyền quân sự để tiếp quản Đại sứ quán Myanmar tại Anh.

KHẢ ANH