Năm 2018, Đà Nẵng cơ bản giải quyết dứt điểm các điểm ngập úng
(Cadn.com.vn) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng khi trao đổi với Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Nam |
P.V: Cơn bão số 4 vừa qua, lượng mưa lớn khiến tình trạng ngập diễn ra trên diện rộng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Vậy ông có thể cho biết những điểm ngập lụt thường xuyên hiện nay trên địa bàn thành phố?
Ông Nguyễn Văn Nam: Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 50 điểm ngập úng (giảm 8 điểm so với năm 2015; đồng thời 10 điểm đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, đang chờ kiểm nghiệm hiệu quả thoát nước qua mùa mưa năm 2016 để đưa ra khỏi danh mục điểm ngập úng). Đối với các điểm ngập úng do thi công dở dang hoặc chưa có chủ trương cho phép thực hiện xử lý lâu dài (do hạn chế kinh phí), các đơn vị đã có phương án thoát nước tạm thời trong mùa mưa. Qua rà soát, kiểm tra thực tế trận mưa ngày 12 và 13-9 vừa qua, cho thấy số lượng các điểm ngập úng không tăng thêm so với danh mục 50 điểm ngập úng đang theo dõi xử lý.
PV: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Nam: Phải nói rằng trận mưa vừa qua có lượng mưa lớn đột biến (23-38mm/15 phút), vượt quá cường độ tính toán đối với hệ thống thoát nước thành phố (khoảng (1,3-2,0) lần (theo Tiêu chí phân biệt điểm ngập úng Sở Xây dựng đã ban hành tại Quyết định số 55/QĐ-SXD ngày 20-1-2014) nên gây ngập lụt một số nơi nhưng thời gian ngập lụt ngắn.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân chủ quan, như: Các đơn vị điều hành dự án, nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc phương án thoát nước tạm thời trong phạm vi dự án đang thi công dở dang theo chủ trương của UBND thành phố (Sở Xây dựng đã 3 lần có văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện), dẫn đến ngập úng trên diện rộng; tiến độ giải tỏa các dự án nhìn chung rất chậm, không đảm bảo thi công khớp nối các tuyến cống chính thoát nước đô thị; hệ thống thoát nước lâu năm đã xuống cấp, chưa được nâng cấp cải tạo, hạn chế khả năng thoát nước; cửa thu nước cấu tạo không hợp lý, không đảm bảo thu nước trên mặt đường xuống mương cống; vật cản trong lòng cống (cáp thông tin liên lạc, đường ống cấp nước...), ảnh hưởng đến khả năng thoát nước. Trước mắt, để hạn chế ngập lụt trong mùa mưa, Sở cũng có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện tuyên truyền vận động người dân tháo dỡ vật cản cửa thu nước để đảm bảo thoát nước mặt đường.
Đơn vị thi công gấp rút xử lý hệ thống thoát nước ngã tư Nguyễn Văn Linh – Hàm Nghi. |
P.V: Được biết, thành phố thực hiện quy hoạch thoát nước mưa, nước thải thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trước mắt ưu tiên triển khai công tác nạo vét hệ thống thoát nước; cải tạo, sửa chữa các công trình thoát nước bị hư hỏng; triển khai thi công các công trình thoát nước thuộc dự án Phát triển bền vững, công trình thoát nước phục vụ các sự kiện ABG5, APEC 2017? Vậy đến nay thành phố đã triển khai đến đâu thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Nam: Nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng trên địa bàn, đảm bảo thoát nước tạm trong những đợt mưa sắp đến cũng như xử lý dứt điểm các điểm ngập nặng, thành phố có phương án xử lý và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ theo kế hoạch đã được duyệt. Cụ thể, tuyến đường Quang Trung hoàn thành hệ thống thoát nước phía Bắc tuyến đường trước ngày 30-9-2016, phía Nam trước ngày 30-10-2016. Khu vực đường Lý Tự Trọng, Hải Hồ, bố trí nhân lực, trực khơi thông cửa thu nước khi có mưa lớn. Đường Núi Thành, đường 2-9 và đường 30-4 đang xử lý nạo vét cống rãnh đảm bảo thoát nước trước ngày 25-9-2016.
Khu vực đường Lê Duẩn đang cải tạo cửa thu nước trên tuyến đường, thay thế toàn bộ tấm ngăn mùi và hoàn thành trước ngày 30-9-2016; đoạn đường từ Ông Ích Khiêm đến Hoàng Hoa Thám đang tiến hành tháo lưới chắn rác và nạo vét bùn trong cống thoát nước hoàn thành ngày 30-9-2016. Khu vực đường Hàm Nghi và lân cận hồ Thạc Gián, đường Đỗ Quang - Nguyễn Hoàng đang thi công tuyến cống, nâng cao trình mặt đường khu vực đường Đỗ Quang - Nguyễn Hoàng và hoàn thành trước ngày 30-9-2016. Khu vực hạ lưu Tuyến cống Khe Cạn (lân cận nút giao thông Ngã ba Huế) đang phá bỏ, tháo dở vật cản, nạo vét bùn đất trong lòng cống, đào khơi thông thượng lưu cửa thu cống, di dời đường ống cấp nước D300 ra khỏi lòng cống qua đường Trục I Tây Bắc hoàn thành trước ngày 30-9-2016...
Với những nỗ lực của chính quyền thành phố cộng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đến năm 2018 cơ bản giải quyết dứt điểm các điểm ngập úng. Tuy vậy, việc xử lý thoát nước chống ngập úng đô thị cần tiến hành thực hiện thường xuyên, liên tục cùng với quá trình xây dựng phát triển hạ tầng đô thị mới bảo đảm hiệu quả lâu dài, đồng thời phải dự lường chính xác các tình huống liên quan đến quá trình biến đổi khí hậu mới có thể xử lý triệt để được.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Xuân Đương
(thực hiện)