Năm 2025 sẽ xóa điểm nóng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang
Trả lời phỏng vấn Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Võ Nguyên Chương - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, đối với nhiệm vụ xóa điểm ô nhiễm môi trường tại âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, thành phố đã giao việc cho các cơ quan, đơn vị và kiểm tra, giám sát hàng quý để đảm bảo tiến độ các đầu việc. Với các nhóm giải pháp đang triển khai, đến năm 2025 sẽ chấm dứt tình trạng ô nhiễm tại điểm nóng này.
Ông Võ Nguyên Chương Ảnh: Công Khanh
* Xin ông cho biết tình hình thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm khu vực âu thuyền? So với mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 2375/QĐ-UBND ngày 6-7-2020 thì kết quả đạt được là tới đâu?
* Quyết định số 2375 được UBND thành phố ban hành với mục đích hướng đến xóa điểm ô nhiễm tại khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang vào năm 2025. Đến hiện tại vẫn đang tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường; nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt; xử lý mùi hôi và khí thải. Kế hoạch có 4 nhóm với 58 nhiệm vụ, giải pháp và phân công rất cụ thể cho 20 cơ quan, đơn vị thực hiện. Trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường được giao là cơ quan đầu mối tổng hợp, tổ chức họp hàng quý để đánh giá kết quả và báo cáo UBND thành phố, đề xuất các vấn đề vướng mắc.
Công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là hoạt động cải thiện rõ nét nhất trong thời gian qua. Sở đã đề xuất việc bố trí kinh phí thực hiện đặt hàng vệ sinh môi trường ngay đầu năm 2021, Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực đã đặt hàng. Tính từ tháng 2-2021 đến nay, đơn vị thực hiện nhiệm vụ này đã thu gom, xử lý hơn 1.000 tấn rác, bình quân 2,7 tấn/ngày. Các tuyến đường xung quanh trước đây thường xuyên bị phản ánh ô nhiễm, nhưng từ khi triển khai Kế hoạch 2375, tình trạng này đã chấm dứt.
Để ngăn chặn các nguồn phát sinh rác thải vào âu thuyền, các đơn vị đã đồng thời thực hiện nhiều giải pháp. Hiện có 75 camera để giám sát nhiều mục tiêu, trong đó có giám sát kịp thời vấn đề môi trường, bước đầu vận hành rất hiệu quả. Cùng với đó, Ban Quản lý âu thuyền cũng đã yêu cầu 1.075 chủ tàu ký cam kết nộp rác thải khi tàu cập cảng. Việc thu hồi lượng rác này góp phần ngăn chặn lượng rác khá lớn xả vào âu thuyền. Trạm Kiểm soát biên phòng Mân Quang đã kiểm tra xuất bến cho các tàu thuyền, trong đó có lưu ý chứng từ giao nộp rác thải thông qua quy chế phối hợp đã ký giữa các đơn vị. Lực lượng chức năng cũng đã tháo dỡ dứt điểm 872 nhà tạm, chòi canh và các lồng, bè nuôi trồng ngoài Vịnh Mân Quang. Đây là những hoạt động, biện pháp góp phần ngăn chặn rác thải vào âu thuyền.
Về nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt, Sở xác định nỗ lực cắt giảm dần các nguồn nước thải vào âu thuyền sẽ cải thiện chất lượng môi trường nước khu vực này. Đến nay, thành phố đã đầu tư cơ bản hạ tầng bảo vệ môi trường thông qua các dự án, hạng mục như Trạm xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 1 với công suất thiết kế 25.500 m3/ngày đêm, Dự án cải thiện môi trường nước phía Đông, trong đó trạm xử lý nước thải giai đoạn 2 với công suất 30.000 m3/ngày đêm; Tiểu dự án nạo vét âu thuyền, cải tạo tuyến thu gom nước thải tuyến đường Vân Đồn, dự án nâng cấp mở rộng cảng cá giai đoạn 2… với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn hợp tác quốc tế, dự án "Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước" do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thực hiện Hợp phần "Ngăn ngừa ô nhiễm nước tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang" với 1,55 tỷ đồng tập trung vào nhiệm vụ truyền thông, giám sát môi trường dựa vào cộng đồng, xây dựng phần mềm quản lý ô nhiễm.
Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát xả nước thải vào khu vực âu thuyền cũng được triển khai tích cực thời gian qua. Đặc biệt là theo dõi và đánh giá chất lượng nước định kỳ, kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thúc đẩy hoàn thành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với nguồn thải lớn; giám sát chặt chẽ xả nước thải của cơ sở thứ cấp trong khu công nghiệp sau khi đấu nối, nạo vét cống, nạo vét bùn tại các cửa xả.
Về xử lý mùi hôi và khí thải, cơ quan chức năng đánh giá mùi hôi phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như khu vực giao thương tại cảng, chợ đầu mối, phương tiện vận chuyển hải sản đậu đỗ, từ cơ sở trong và ngoài khu công nghiệp, bùn lắng đọng trong âu thuyền. Sự tác động về mùi hôi đối với môi trường xung quanh còn phụ thuộc nền nhiệt, tốc độ và hướng gió.
* Việc nạo vét bùn trong khu vực âu thuyền đang chuẩn bị triển khai. Đây là phần công việc khó khăn, liên quan đến xử lý khối lượng lớn rác, bùn lớn lưu cữu trong âu thuyền. Phương án xử lý như thế nào để đảm bảo quy định, kiểm soát môi trường và sinh học trong quá trình thực hiện?
* Hoạt động nạo vét âu thuyền là một tiểu dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ. Hiện chủ dự án đã trình Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án và được UBND thành phố phê duyệt. Theo đánh giá thì đơn vị thi công sẽ nạo vét khoảng 347 nghìn khối bùn và vận chuyển đi nhận chìm tại vị trí đã được phê duyệt. Các loại rác, chất thải rắn sẽ được lọc ra để chở đi xử lý tập trung. Về pháp lý, sau khi phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép nhận chìm, chủ dự án có kế hoạch tổ chức thực hiện, ban hành các biện pháp kỹ thuật chi tiết để đảm bảo việc đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với khu vực nạo vét và khu vực nhận chìm, chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra, giám sát việc thi công nạo vét và nhận chìm vật chất với 13 thành viên thuộc các Sở, ban ngành. Chúng tôi chủ động đề nghị Chủ dự án cung cấp các kế hoạch quản lý môi trường, kế hoạch cụ thể triển khai các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo yêu cầu, rà soát các biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đã được phê duyệt. Cùng với đó là tiếp nhận thông tin phản ánh, phát hiện hành vi vi phạm (nếu có) để kịp thời kiểm tra và xử lý theo chức năng, thẩm quyền. Quá trình nạo vét, nhận chìm được theo dõi bằng camera, thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo thực hiện nghiêm túc theo phương án phê duyệt. Họ vét ở đâu, di chuyển như thế nào, nhận chìm ở tọa độ nào mình biết rõ hết thông qua tín hiệu hiện trường kết nối truyền về.
Một góc âu thuyền Thọ Quang nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Trình
* Khó khăn lớn nhất hiện nay và thời gian tới ở khu vực này là gì? Liệu có thể xoá điểm ô nhiễm này vào năm 2025 như kỳ vọng được không?
* Khó khăn chính chúng tôi nhận thấy là làm thế nào để thu gom toàn bộ nước thải từ tàu cập cảng và tàu neo đậu trong bối cảnh hệ thống xử lý nước thải mới khu vực âu thuyền và cảng cá với công suất 300 m3/ngày đêm chưa hoàn thành. Đối với vấn đề ô nhiễm ở âu thuyền Thọ Quang mà thành phố đang triển khai là vừa xử lý những tồn tại từ trước tới nay vừa ngăn chặn các nguy cơ trong tương lai để đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Định hướng xây dựng Đà Nẵng thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước thì cần tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mới đáp ứng trong tương lai. Đến cuối năm 2022, thì chúng ta mới đi được nửa chặng của Quyết định 2375 mà chủ yếu bằng các giải pháp quản lý. Các dự án đang trong giai đoạn triển khai. Ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ năm 2022 và báo cáo thường xuyên để có cơ sở đánh giá.
Câu chuyện kiểm soát ô nhiễm trong khu vực rộng lớn, mở với nhiều nguồi thải đan xen, nhiều cơ quan cùng quản lý thì rất phức tạp, đòi hỏi liên tục, phối hợp chủ động, nhân dân cùng tham gia. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị rồi, định kỳ chúng tôi tổng hợp báo cáo trung thực. Đơn vị nào làm tốt, đúng tiến độ thì thành phố biểu dương, khen thưởng, đơn vị nào chậm thì bị phê bình, ảnh hưởng thi đua.
Trước đây Đà Nẵng có 13 điểm nóng ô nhiễm. Trong giai đoạn 2008-2018 thành phố đã xử lý dứt điểm được 11 điểm. Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, chúng tôi tin sẽ thực hiện đúng tiến độ là đưa âu thuyền Thọ Quang ra khỏi danh sách điểm nóng về ô nhiễm môi trường vào năm 2025.
* Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Công Khanh (thực hiện)