Năm học mới 2017-2018: Vui tươi, thiêng liêng và tràn đầy hứng khởi
Hòa chung niềm hân hoan, náo nức của hàng triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới, trong không khí tưng bừng của ngày hội khai trường, ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, sáng 5-9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và đánh trống khai trường tại Trường THCS Trưng Vương (TP Hà Nội), tiền thân là trường nữ sinh Đồng Khánh, được thành lập năm 1917. Năm 1948, trường đổi tên thành Trưng Vương. Trường đã được công nhận là Di tích Lịch sử Cách mạng, một địa điểm in dấu những khoảnh khắc hào hùng của đất nước ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Trường Trưng Vương đã vinh dự năm lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào các năm 1946, 1954, 1956, 1959, 1960.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 |
Sáng cùng ngày, gần 20 triệu học sinh trên cả nước đã dự lễ khai giảng năm học mới 2017-2018, đúng Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Bắt đầu từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thống nhất tổ chức lễ khai giảng năm học mới trên toàn quốc vào sáng 5-9. Quyết định này được toàn dân ủng hộ vì đã cắt giảm được nhiều thủ tục rườm rà, tránh lãng phí tiền bạc, công sức của học sinh, thầy cô và phụ huynh.
Trong năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương và các trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, trang trọng và ý nghĩa, cắt giảm diễn văn dài dòng. Các hoạt động trong phần lễ gồm: Chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; tuyên bố khai giảng năm học mới; đánh trống khai trường. Ở phần hội, các trường tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi vui tươi, để ngày khai giảng thực sự mở đầu cho một năm học vui tươi, với những cảm xúc thiêng liêng và tràn đầy hứng khởi.
Trong năm học mới 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định mục tiêu là tiếp tục tập trung nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò. Toàn ngành từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh. Ngành giáo dục và đào tạo cũng thể hiện quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Tiếp nối những thành công của năm học 2016-2017, trong năm học mới 2017-2018, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp phù hợp với yêu cầu của năm học mới. Trong đó, giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.
Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập...
Ngành giáo dục cũng sẽ tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Công tác thi đua khen thưởng cần đi vào thực chất nhằm từng bước đẩy lùi căn bệnh thành tích và lộ trình thực hiện giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, giáo viên.
Ngày 5-9 hàng năm được chọn là ngày khai giảng – Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường bởi vào ngày 5/9/1945, chỉ 3 ngày sau khi đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập mới.
THANH GIANG