Năm học mới có gì mới?

Thứ bảy, 14/08/2021 07:20

Trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, năm học mới 2021-2022 thầy, trò TP tiếp tục chào đón khai giảng và triển khai dạy - học bằng hình thức trực tuyến những tuần đầu sau năm học. Khó khăn, thách thức đã được toàn ngành tiên lượng và sẵn sàng nỗ lực vượt qua nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học mới.  

Năm học trước, thầy-trò Đà Nẵng đón chào khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến.

Nhiều nội dung mới

Sau khi rà soát mạng lưới trường lớp phục vụ cho năm học 2021-2022, số lượng giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển đơn vị công tác, Sở GD-ĐT TP cho hay, trong năm học mới này, toàn ngành sẽ tuyển dụng 856 giáo viên gồm: bậc mầm non: 177 GV, bậc TH 495 GV, THCS 136 GV và THPT 48 GV. Sở GD-ĐT và UBND các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên các cấp học.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh COVID-19 nên Sở cũng như UBND các quận, huyện không thể hoàn thành việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên về các cơ sở giáo dục công lập vào đầu tháng 9. Theo dự kiến của ngành, nếu UBND TP cho phép tiếp tục triển khai việc tuyển dụng vào nửa cuối tháng 8, khi dịch bệnh được kiểm soát, đến tháng 11-2021, giáo viên tuyển mới mới về nhận công tác tại các cơ sở giáo dục. Vì thế, để đảm bảo có đủ đội ngũ giáo viên vào đầu năm học mới, trước mắt, Sở và UBND các quận, huyện sẽ tạm thời hợp đồng ngắn hạn số giáo viên đã hợp đồng trong năm học 2020-2021 và hợp đồng mới trong chỉ tiêu số lượng người làm việc được giao hoặc bố trí tăng giờ dạy giáo viên để đảm bảo tổ chức đầy đủ các hoạt động giáo dục theo quy định cho đến khi hoàn thành việc tuyển dụng giáo viên.

Trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch, bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống của người dân toàn TP, ngành GD-ĐT phối hợp tham mưu UBND TP trình HĐND TP một số nội dung và đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, HĐNĐ TP khóa X diễn ra vào ngày 12-8. Cụ thể: hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2021-2022 với tổng kinh phí thực hiện là 87.476.153.000 đồng từ nguồn ngân sách thành phố cho trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập, ngoài công lập trên địa bàn thành phố (không áp dụng đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông thuộc cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).  Giữ nguyên mức thu học phí, học phí học lại đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc TP quản lý năm học 2021-2022…Tổng kinh phí hỗ trợ trong năm học 2021-2022 đối với các trường hợp nêu trên là 15,6 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ năm học mới, Sở GD-ĐT TP cho hay, từ năm 2020, Sở GD-ĐT đã phối hợp với UBND các quận, huyện lập, trình và được UBND TP Phê duyệt Đề án xây dựng nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP với tổng vốn đầu tư là 4.399 tỷ đồng.

Năm học mới 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện việc dạy-học chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa (SGK) đối với lớp 2 và lớp 6. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng toàn ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên theo kế hoạch, đảm bảo thực hiện các nội dung, quy định chuyên môn. Theo đó, đảm bảo 100% giáo viên giảng dạy chương trình lớp 1, 2, 6 năm học 2021-2022 đều được tập huấn, bồi dưỡng sử dụng SGK đầy đủ.

Lường trước khó khăn trong việc tổ chức dạy-học trực tuyến

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết, toàn ngành đã tiên lượng sẽ phải đối mặt với những bất cập, thách thức không nhỏ trong việc triển khai dạy-học trực tuyến.

“Bất cập và thách thức đầu tiên phải kể đến đó là hiện nay, nhiều giáo viên và học sinh ở Đà Nẵng thuộc diện F0, F1 đang điều trị hoặc cách ly tập trung, chưa kể hàng ngàn giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly y tế. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy - học vào đầu năm học, đặc biệt khi giáo viên không được trực tiếp gặp gỡ học sinh và phải áp dụng hình thức trực tuyến. Ngoài khó khăn, bất cập trên, một vấn đề nữa đó là điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường, mỗi lớp, mỗi HS trên địa bàn TP là khác nhau nên khó có thể áp dụng đồng bộ một phương pháp. Chưa kể, phương pháp này cũng gây nhiều băn khoăn, lo lắng trong việc quản lý, hỗ trợ con cái của phụ huynh, đặc biệt đối với HS nhỏ tuổi…”, bà Lê Thị Bích Thuận trăn trở chia sẻ.

Trên cơ sở xác định những bất cập và khó khăn này, Sở GD-ĐT cho rằng, việc  dạy-học trực tuyến chỉ là hình thức hỗ trợ, không phải là hình thức chủ đạo. Từ đó, ngành GD-ĐT TP xác định trong khoảng 2 tuần đầu tiên khai giảng, việc dạy- học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, SGK, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ. “Sau đó, nếu tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn chưa được kiểm soát, trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy - học bài mới trực tuyến cho học sinh”- bà Lê Thị Bích Thuận chia sẻ thêm.

Được biết, Sở GD- đang  tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định về khung thời gian năm học trên địa bàn TP theo tinh thần “căn cứ tình hình diễn biến của dịch COVID-19, chủ động tham mưu Chủ tịch UBND thành phố điều chỉnh các mốc thời gian trong kế hoạch năm học và triển khai các hình thức khai giảng, dạy học, giáo dục phù hợp với thực tiễn”.

P.Thủy