Năm mới, thách thức cũ
(Cadn.com.vn) - Chỉ còn vài ngày nữa bước qua năm mới 2017 và Ai Cập buộc phải tạm biệt năm 2016 cùng với những thách thức kinh tế-an ninh ngoài những thăng trầm trong quan hệ ngoại giao, đặc biệt là với đồng minh hàng đầu trong vùng Vịnh Saudi Arabia.
Mặc dù đang áp dụng các biện pháp cứng rắn để thực hiện chương trình cải cách kinh tế trong 3 năm, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ khoản vay 12 tỷ USD, Ai Cập vẫn không thể giải bài toán suy thoái kinh tế. Đây là hệ quả do bất ổn chính trị trong 6 năm qua của Ai Cập, vốn chứng kiến cuộc lật đổ của 2 nhà lãnh đạo: cựu Tổng thống lâu năm Hosni Mubarak và cựu Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.
Vì vậy, không chỉ đau đầu với mối lo kinh tế, Ai Cập còn đang phải gồng mình chống lại làn sóng khủng bố đang tràn ngập vào nước này. Kể từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ, chiến dịch trấn áp nhằm vào những người ủng hộ ông này khiến khoảng 1.000 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt. Các cuộc tấn công khủng bố chống chính phủ giết chết hàng trăm cảnh sát và binh sĩ, gây ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh và ngành du lịch của nước này. Và tất nhiên, đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh.
Tình trạng an ninh tiếp tục xấu đi sau vụ tai nạn máy bay Nga ở bán đảo Sinai giết chết hơn 200 người Nga vào tháng 10-2015 và vụ tai nạn máy bay EgyptAir hồi tháng 5-2016 khiến tất cả 66 người trên khoang thiệt mạng. Nhóm chiến binh trung thành với IS ở Sinai nhận trách nhiệm cho hầu hết các cuộc tấn công khủng bố ở Ai Cập, gồm cả vụ tai nạn máy bay Nga.
Bất chấp nỗ lực phá hoại của các nhóm khủng bố, các mối quan hệ chiến lược Moscow và Cairo bị ảnh hưởng nhiều. Moscow thậm chí có kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên của Ai Cập theo thỏa thuận ký kết vào cuối năm 2015. Trong năm 2016, quan hệ kinh tế và văn hóa của Ai Cập với Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong thời điểm được gọi là “Năm Văn hóa Ai Cập-Trung Quốc”.
Tuy nhiên, có lẽ do có quá nhiều mối lo ở trong nước, Ai Cập không còn nhiều thời gian cho các mối quan hệ ngoại giao. Trong năm 2017, Ai Cập cần xem lại các mối quan hệ với các đồng minh Arab như Qatar, Saudi Arabia. Cairo cũng cần tiến gần hơn nữa với ông lớn trong khu vực - Thổ Nhĩ Kỳ - khi mối quan hệ hai bên bùng nổ căng thẳng trong năm 2016 xung quanh việc trốn chạy của những người trung thành với ông Morsi.
Thanh Văn