Năm thu hút đầu tư 2019: Cần cải thiện từ các khu công nghiệp

Thứ ba, 29/01/2019 12:01

Trong khi các khu công nghiệp (KCN) mới chưa triển khai thì để thực hiện hiệu quả năm thu hút đầu tư 2019, Đà Nẵng vẫn phải dựa vào các KCN hiện có. Nếu giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, sử dụng hiệu quả quỹ đất trong các KCN, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư (NĐT) đến với TP.

Cần rà soát quỹ đất trống, đất sử dụng không hiệu quả, dùng làm kho bãi để ưu tiên cho DN có nhu cầu sản xuất thực sự là giải pháp trước mắt cho năm thu hút đầu tư 2019.

Sử dụng quỹ đất hiệu quả

Tổng diện tích đất trong 6 KCN của Đà Nẵng hơn 1.000 ha, trong đó khoảng 800 ha đất công nghiệp cho thuê, tỷ lệ lấp đầy hơn 86%. Hiện có 3 KCN còn tổng diện tích đất  trống hơn 100 ha, nhiều nhất là KCN Liên Chiểu trên 81 ha. Bên cạnh đó, nhiều DN thuê đất nhưng sử dụng không hiệu quả, thuê đất làm kho bãi chứ không phục vụ sản xuất, làm lãng phí hạ tầng. Ông Lê Hoàng Đức - Phó trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng (BQL) cho biết, hiện các KCN đã thu hút 575 dự án, trong đó có một số dự án sử dụng đất hoạt động không hiệu quả. Chẳng hạn tại KCN Hòa Khánh còn dư gần 10 ha chưa đầu tư dự án của Cty Quân Đạt; 43 ha đất thu hồi của Cty Thủy tinh Miền Trung giao xây dựng hệ thống kho của Cục 74 nhưng chưa triển khai. BQL đã đề nghị TP cấp đất ở vị trí khác xây dựng hệ thống kho của Cục 74, ưu tiên quỹ đất KCN bố trí cho nhà đầu tư có dự án sản xuất. Đặc biệt, ông Đức cho biết có một dự án diện tích đất lớn, hơn 75 ha giao cho Cty Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng nhưng không khai thác sử dụng hiệu quả, cho thuê trái phép nhỏ lẻ.

Tại KCN Liên Chiểu hiện còn hơn 85 ha theo quy hoạch chưa có dự án (trong đó đất có hạ tầng hơn 30 ha). KCN Hòa Cầm hiện còn gần 14ha, trong đó khu vực mở rộng hơn 13 ha chưa có quyết định phê duyệt DTM để lập thủ tục cho thuê đất. KCN Hòa Khánh mở rộng hiện còn hơn 10 ha. Tại 6 KCN, lãnh đạo TP đã yêu cầu rà soát quỹ đất, tiến hành các thủ tục thu hồi đất theo quy định đối với các dự án chậm triển khai hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm kho bãi... Diện tích đất còn lại trong các KCN sẽ được ưu tiên bố trí cho các DN thực sự có nhu cầu về mặt bằng sản xuất, các DN ảnh hưởng bởi việc di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư. Quỹ đất còn lại sau khi rà soát sẽ được thông báo rộng rãi đến các hiệp hội DN, tạo điều kiện thuận lợi để các DN có nhu cầu tiếp cận đất sản xuất kinh doanh. Được biết, hiện có 21 DN ở Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hòa Vang có nhu cầu mặt bằng sản xuất kinh doanh với tổng diện tích trên 17ha; 7 DN cần diện tích đất từ 10-20 ha.

Chuyển dần sang KCN sinh thái

Ngoài rà soát, sử dụng hiệu quả quỹ đất trong các KCN thì việc hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo các vấn đề môi trường cũng hết sức quan trọng. Điều này sẽ góp phần xây dựng hình ảnh, môi trường đầu tư Đà Nẵng hoàn thiện, giúp các DN yên tâm sản xuất cũng như là cầu nối để giới thiệu đến các nhà đầu tư khác. Tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1), để nâng công suất tiếp nhận, vận hành xử lý nước thải phát sinh của các DN, Chủ đầu tư đã tiến hành lắp đặt máy móc, thiết bị để nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung từ 1.000 m3/ngày đêm lên 2.000 m3/ngày đêm, đã xong quá trình vận hành thử nghiệm. Với trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh mở rộng hiện đã đi vào vận hành, các DN thực hiện tách riêng hệ thống nước mưa và nước thải, kiểm soát chất lượng nước thải đảm bảo trước khi thải vào hệ thống thu gom KCN. Theo thông báo của TP, Cty SDN (chủ đầu tư KCN Hòa Khánh mở rộng) tiếp nhận xử lý nước thải của cụm công ngiệp Thanh Vinh  mở rộng (CCNTVMR), và đề nghị 2 bên thỏa thuận đấu nối trước khi ký hợp đồng xử lý. Phía SDN cho biết chỉ có thể nhận nước thải từ CNCTVMR dưới 200m3/ngày đêm, khi trạm xử lý nước thải của mình chưa vượt quá công suất 1.000 m3/ngày đêm, đồng thời không tiếp nhận lâu dài. SDN đề nghị chủ CCNTVMR có phương án tự xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải cho các DN trong CCN của mình. Trong khi đó, Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Khánh đang hoạt động với mức vượt ngưỡng công suất tối đa, TP đã đồng ý chủ trương nâng cấp trong thời gian tới. Theo BQL, hiện trong các KCN còn 30 DN chưa đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải, trong đó nhiều nhất là KCN Hòa Khánh với 16 Dự án chưa đấu nối (3 dự án đang xây dựng, 5 dự án chưa xây dựng do chuyển nhượng chưa lập thủ tục đầu tư, 8 dự án đã hoạt động nhưng còn vướng thủ tục, hạ tầng); KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng 8 dự án (5 dự án chưa xây dựng, 3 dự án mới vào hoạt động). Với các dự án nấu luyện thép gây ô nhiễm trong KCN, TP có lộ trình hạn chế và chấm dứt hoạt động. KCN Đà Nẵng ở trong trung tâm TP sẽ sớm chuyển đổi sang khu đô thị, các KCN còn lại dần chuyển thành KCN sinh thái.

Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi Đà Nẵng phải xây nhưng KCN mới đủ lớn, đạt chuẩn hạ tầng, sinh thái, đảm bảo cho DN hoạt động hiệu quả nhất. Trong quy hoạch, TP sẽ xây dựng các KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều NĐT mặn mà xây dựng hạ tầng KCN, lý do vì chi phí giải tỏa đền bù lớn. Để giải quyết nhu cầu trước mắt, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa của TP đang sản xuất trong khu dân cư, có nhu cầu thuê đất diện tích nhỏ, TP sẽ tiến hành xây dựng một số CCN. Năm 2019 TP sẽ tập trung xây dựng CCN Cẩm Lệ, đầu tư CCN Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc. Ngoài ra, với hạ tầng hiện có của Khu CNTT (giai đoạn 1) rộng 131 ha, Khu CNC hơn 400 ha mặt bằng sạch, TP sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư trong năm 2019.

Rõ ràng khi các KCN mới chưa được triển khai, Khu CNC và Khu CNTT chưa thể hấp dẫn ngay nhà đầu tư (liên quan tới hạ tầng giao thông, nền tảng dịch vụ, xã hội, nhu cầu thị trường khu vực Tây Bắc) thì việc cải thiện quỹ đất, môi trường trong các KCN hiện có, đáp ứng ngay nhu cầu các DN nhỏ và vừa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong năm thu hút đầu tư 2019.

HẢI QUỲNH