Nạn buôn người vì mại dâm - chế độ nô lệ mới của Mỹ
(Cadn.com.vn) - Con đường dẫn đến những góc tối của nạn buôn người ở Mỹ được cho là bắt đầu từ các hành lang sáng sủa của một trường trung học ở bang Florida.
Đó là trường hợp của cô bé Sacharay, 19 tuổi. Cô kể những sự việc xảy ra với mình cách đây 5 năm. "Một ngày, người bạn mà tôi coi là thân nhất rủ tôi bỏ học đi chơi, chúng tôi đến cửa hàng cắt tóc. Ở đó, cô ấy giới thiệu tôi với một số thanh niên lớn tuổi hơn", Sacharay kể lại trong nước mắt. Một người đàn ông, khoảng 30 tuổi, ngay lập tức chú ý đến Sacharay. Ông ta bắt đầu tán tỉnh cô bằng những món quà, lời khen.
Ngay sau đó, gã đàn ông này bắt đầu yêu cầu Sacharay kiếm tiền cho anh ta, bằng cách ngủ với nhiều người đàn ông khác. Sacharay ngày càng bị lạm dụng. Sacharay bị bán cho hàng chục người đàn ông một ngày. Cô gặp những người mua dâm trong phòng trọ gần một xa lộ, hoặc thậm chí phía sau tiệm cắt tóc. "Một ngày tôi cảm thấy không thể làm điều này nữa. Tôi đau đớn", Sacharay kể lại. Nhưng gã đàn ông không quan tâm. "Ông ta đe dọa tôi bằng súng", Sacharay nói.
Sacharay là một trong số những nạn nhân của nạn buôn người vì tình dục. |
Atlanta - "trung tâm" của nạn buôn người
Theo báo cáo của Trung tâm Buôn người Quốc gia, hơn 3.500 trường hợp bị bắt buộc hành nghề mại dâm chỉ trong 1 năm qua.
Theo luật liên bang, bất kỳ ai dưới 18 tuổi bị bắt hành nghề mại dâm đều là nạn nhân của nạn buôn người vì tình dục - bất kể kẻ buôn người đã sử dụng vũ lực, lừa gạt, hay ép buộc. Sacharay và một thiếu nữ khác cuối cùng bị đưa đến Atlanta, vì nơi đây ông có thể bán họ với giá cao hơn.
Theo nghiên cứu năm 2014 của Viện đô thị, một số kẻ buôn bán người ở Atlanta kiếm hơn 32.000 USD/tuần. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 2007, ngành công nghiệp tình dục bất hợp pháp của Atlanta thu về khoảng 290 triệu USD/năm. "Đó là thành phố lớn. Có rất nhiều thứ để làm ở Atlanta. Rất nhiều khách sạn, rất nhiều sự kiện. Vì vậy, những kẻ buôn người biết điều đó", cảnh sát Torrey Kennedy thuộc Đơn vị chống Tội phạm trẻ em hạt DeKalb (ICAC) cho biết.
Nạn nhân, không phải gái mại dâm
Đơn vị của ông Kennedy luôn nỗ lực xác định, sau đó truy tố bọn buôn người. Theo ông Kennedy, một thiếu niên bán dâm thường phủ nhận việc bị bắt buộc làm việc cho một người nào đó.
Pháp luật cho phép khoan hồng nếu cô gái sẵn sàng đi đến các trung tâm an toàn dành cho phụ nữ. Nhưng nếu từ chối, cô ta sẽ bị bắt. Bi kịch của Sacharay kết thúc khi cô được giải cứu trong một hoạt động của ICAC vào tháng 6-2014 và đồng ý đến trung tâm do một tổ chức phi lợi nhuận điều hành. Nơi này giúp Sacharay có được tấm bằng tốt nghiệp và một công việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Sacharay. Rất nhiều phụ nữ trẻ vẫn bị mắc kẹt trong các đường dây buôn người nguy hiểm và bất hợp pháp đang nở rộ ở Mỹ.
An Bình
(Theo CNN)