Nan giải “cuộc chiến” giữ rừng nơi đại ngàn Kbang (Bài 2: “Máu rừng” vẫn chảy)

Thứ bảy, 22/06/2019 17:20

Không chỉ những cánh rừng tại xã Lơ Ku, Krong của H. Kbang bị tàn phá, nhiều cánh rừng khác cũng đã bị lâm tặc mở đường, khai thác gỗ trái phép. Việc phát hiện, xử lý của chủ rừng cũng chỉ mới dừng lại con số ít ỏi. Thậm chí, những nhân viên quản lý bảo vệ rừng đã vướng vào vòng lao lý khi đã tự ý phá rừng nhằm ngăn chặn lâm tặc.

Dù có các lực lượng chức năng nhưng tình hình vận chuyển lâm sản trái phép vẫn “lọt” trạm.

GỖ “LẬU” VẪN LỌT TRẠM?

Trở lại những cánh rừng thuộc quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (Cty LN Lơ Ku), trong những ngày thâm nhập thực tế tại đây mới thấy được những bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Bởi theo tìm hiểu của P.V, lâu nay khu vực rừng này được xem là “điểm nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn H. Kbang. Thế nên, ngoài lực lượng bảo vệ rừng của Cty LN Lơ Ku, chính quyền địa phương thì còn có các chốt kiểm tra, kiểm soát lâm sản của các đơn vị chức năng. Những chốt này được đặt ngay trên tuyến đường từ xã Lơ Ku ra địa bàn TT Kbang, ngang qua cả UBND xã Lơ Ku. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là sau khi khai thác, việc vận chuyển gỗ từ rừng ra và đi về đâu vẫn chưa được các cơ quan chức năng xác định.

Cũng chính vì bất thường đó, UBND H. Kbang đã có Văn bản số 507 phân công trực tiếp cho lãnh đạo Hạt Kiểm lâm của huyện trực tại các Trạm kiểm soát lâm sản. Trong đó, có Trạm làng Bôn (xã Lơ Ku). Theo văn bản trên, trong thời điểm trước và trong tháng 4-2019, dù có các lực lượng chức năng nhưng tình hình vận chuyển lâm sản trái phép qua các trạm gác vẫn diễn ra. Theo đó, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm luân phiên trực ban đêm tại các Trạm nhằm chỉ đạo, kiểm tra việc kiểm soát lâm sản. Nếu phát hiện có ô-tô vận chuyển lâm sản trái phép đi qua Trạm thì lãnh đạo Hạt Kiểm lâm được phân công trực phải chịu trách nhiệm.

Thậm chí, một điều khá lạ vừa được phát hiện tại lâm phần của Cty LN Lơ Ku quản lý là khi phát hiện xảy ra các vụ phá rừng nhưng không báo cơ quan chức năng. Cụ thể mới đây, Hạt Kiểm lâm H. Kbang phối hợp Đội Kiểm lâm cơ động số và Phòng chống cháy rừng số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai), Cty LN Lơ Ku và UBND xã Lơ Ku tiến hành kiểm tra tại Tiểu khu 140 lâm phần do Cty quản lý. Qua đó, đã phát hiện có 9 cây gỗ bị chặt hạ trái phép với khối lượng thiệt hại là hơn 14,2m3 tại các khoảnh 2,3,6 Tiểu khu 140. 9 cây gỗ này được xác định bị lâm tặc đốn hạ vào đầu năm 2019 nhưng không được Cty kiểm tra phát hiện. Hay tại khoảnh 1, khoảnh 2 Tiểu khu 140, đã có 4 cây với khối lượng gỗ hơn 11,8m3 bị thiệt hại và hơn 4.400m2 rừng bị chặt phá trái phép dù đã được phát hiện nhưng Cty không báo cho các cơ quan chức năng.

Điều đáng lo ngại hơn chính là việc phát hiện phá rừng nhưng hầu hết không bắt được đối tượng lâm tặc nào. Chỉ mới đây, vào ngày 13-6, các đơn vị chức năng tại địa phương mới bắt được 1 đối tượng đang có hành vi khai thác rừng trái phép và vụ việc đang được CQĐT CAH Kbang phối hợp điều tra xử lý. Ông Trần Văn Trị- Giám đốc Cty LN Lơ Ku, cho biết: Khu vực rừng và đất rừng của Cty quản lý nằm gần trung tâm H. Kbang, trong khi đó nhu cầu sử dụng gỗ khá lớn. Vì vậy đã làm gia tăng việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, đặc biệt là gỗ xây dựng. Nhiều đối tượng lâm tặc dùng mọi thủ đoạn bất chấp pháp luật cố tình lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép.

Một vụ việc khác đang đặt ra nhiều vấn đề mà các cơ quan chức năng của địa phương này đang làm rõ, đó chính là vụ vận chuyển gỗ Hương lớn trên địa bàn. Cụ thể, vào tháng 3-2019, từ nguồn tin báo của người dân, lực lượng Hạt Kiểm lâm phối hợp CAH Kbang kiểm tra xưởng chế biến gỗ của DNTN Giao Trang (TT Kbang, H. Kbang). Khi tiếp cận, lực lượng chức năng phát hiện 1 xe tải BKS 81M-3393 vận chuyển lâm sản từ trong xưởng ra. Thấy lực lượng chức năng, lái xe tắt máy rồi bỏ xe chạy trốn. Qua kiểm tra, trên xe có 10 hộp gỗ hương (nhóm I) với tổng khối lượng hơn 4,2m3. Đồng thời, kiểm tra trong xưởng chế biến của DNTN này, lực lượng chức năng còn phát hiện 10 hộp gỗ hương với khối lượng hơn 1m3. Tuy nhiên, đại diện DN này cho biết số gỗ trên là các đối tượng trên xe bỏ xuống mà DN không biết (?!).

Vậy câu hỏi về nguồn gốc số gỗ Hương trái phép này từ đâu ra hay chính từ những cánh rừng hương cổ thụ của H. Kbang cũng như việc “đường đi” như thế nào vẫn đang được các cơ quan chức năng xác minh.

Lâm tặc “xẻ thịt” một cây rừng ngay bên đường ra vào thuộc lâm phần Cty LN Lơ Ku quản lý nhưng không bị phát hiện.

RỪNG VẪN LÀ “MIẾNG NGON” CỦA LÂM TẶC

Một khu vực khác trên địa bàn H. Kbang là lâm phần thuộc quản lý của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (viết tắt: Cty LN Krông Pa) tại xã Krong cũng là “điểm nóng” về tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Đặc biệt là những cây giáng hương cổ thụ trở thành “miếng ngon” của các đối tượng lâm tặc. Năm nào cũng có những cây hương cổ thụ cả trăm năm tuổi đổ xuống bất chấp các nỗ lực quản lý, bảo vệ của các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương. Đặc biệt, khi các loại gỗ ngày càng khan hiếm và giá trị ngày càng cao khiến lâm tặc bất chấp các thủ đoạn để khai thác lâm sản trái phép. Dù nhiều đối tượng lâm tặc vi phạm, bị xử lý nhưng rừng vẫn là “miếng ngon” của chúng.

Theo thống kê vào năm 2014, khu vực rừng thuộc lâm phần của Cty LN Krông Pa có hơn 407 cây hương, trong đó có nhiều cây hương cổ thụ đường kính lớn. Số cây hương này tập trung tại 27 khoảnh thuộc 7 Tiểu khu và rải rác trên diện tích 7.900ha rừng mà đơn vị này quản lý. Thế nhưng, đến cuối năm 2018, số cây gỗ hương này chỉ còn 296 cây. Trước năm 2015, tình hình khai thác trái phép cây hương cổ thụ diễn biến phức tạp khi có thời điểm cả hàng chục cây hương bị cưa hạ. Từ năm 2016, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tình trạng này tạm lắng xuống. Thế nhưng, trong những tháng 3 và tháng 4-2019, tình hình này lại gia tăng. Theo thống kế đến đầu tháng 6-2019, tại lâm phần của Cty này đã xảy ra 7 vụ khai thác rừng trái phép, trong đó đã khởi tố 4 vụ khai thác rừng trái phép tại các Tiểu khu 82, 87, 90 và 94.

Cũng tại nhiều cánh rừng của các đơn vị Cty lâm nghiệp trên địa bàn H. Kbang, tình trạng phá rừng vẫn xảy ra với quy mô, mức độ khác nhau. Điều đáng lo ngại, không chỉ lâm tặc vẫn còn hoạt động mà vấn đề đặt ra ở đây chính là những nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng cũng có vấn đề.

“Có thể thấy những chủ rừng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ của mình mà trong khi đó chỉ có một nhiệm vụ là bảo vệ rừng. Những nhân viên quản lý bảo vệ rừng của một số Cty lâm nghiệp tôi cho là có vấn đề, lợi ích, tiền lương của họ quá thấp nên họ câu kết với các đối tượng lâm tặc”, ông Võ Văn Phán- Chủ tịch UBND H. Kbang nhận định.

Sự việc đó đã xảy ra nghiêm trọng tại Cty LN Lơ Ku khi ông Trần Văn Trị- Giám đốc Cty thừa nhận: “Trong năm 2017, 2018 đơn vị đã cho nghỉ “trên chục anh em” nhân viên quản lý, bảo vệ rừng vì có dấu hiệu móc nối, câu kết với các đối tượng lâm tặc”.

(còn nữa)

M.T