Nắng ấm biên cương... (Kỳ cuối: Vun đắp tình hữu nghị)

Thứ ba, 02/10/2018 15:11

Đóng chân trên địa bàn huyện biên giới Đức Cơ, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lê Thanh được giao phụ trách gần 18 km đường biên giới thuộc địa bàn 2 huyện Đức Cơ và Ia Grai của tỉnh Gia Lai, giáp với tỉnh Ratanakeri (Campuchia). Nhiều năm qua, bên cạnh việc tuần tra, đảm bảo tốt chủ quyền, an ninh biên giới, Đồn còn thường xuyên duy trì và tích cực phát huy mối quan hệ láng giềng, thắt chặt tình hữu nghị, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao nhân dân hai bên khu vực biên giới...

Đại úy Hoàng Đại Lượng (ngoài cùng bên phải) cùng P.V Báo CATP Đà Nẵng tại chốt biên phòng Ia Pô.

Chuyện ở chốt biên phòng Ia Pô

2 giờ chiều tại chốt biên phòng Ia Pô (Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh), dù ngồi dưới tán cây, ngay sát cạnh bờ sông nhưng cái nóng vẫn hầm hập, khô khốc. CBCS đóng tại chốt hầu hết đã đi làm nhiệm vụ, chỉ còn Đại úy Hoàng Đại Lượng đang trực chỉ huy tại đây. Đại úy Lượng quê gốc Nam Định, vào Gia Lai từ năm 1994 đến nay. Trước khi tình nguyện xin chuyển lên công tác tại chốt Ia Pô một năm trước, anh công tác tại Phòng Tham mưu (BCH BĐBP tỉnh Gia Lai). Hỏi sao không chọn cuộc sống nơi phố thị, được gần gia đình, vợ con, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ mà lại về nơi biên giới xa xôi, đường sá đi lại khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, anh bảo "vì muốn cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết khi còn có cơ hội"! Đại úy Hoàng Đại Lượng cho biết, chốt được giao quản lý khoảng 6km đường biên, chủ yếu trên sông. Hàng ngày, ngoài việc cắt cử CBCS thường trực tại các điểm nắm tình hình, phối hợp công tác dân vận, chốt còn tăng cường mối quan hệ phối hợp với Đồn Cảnh sát biên phòng 709 của Campuchia đảm bảo tốt ANCT, TTATXH tại địa bàn giáp ranh. Nhờ làm tốt công tác phối hợp nên nhiều năm qua tình hình ANTT khu vực chốt quản lý cơ bản được giữ vững. "Mặc dù dọc đường biên có nhiều rừng, lại sát bờ sông, rất thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép nhưng nhiều năm qua tình hình khai thác trái phép lâm sản trên địa bàn hiếm khi xảy ra, nhân dân khu vực hai bên biên giới ý thức rất cao về công tác bảo vệ rừng", Đại úy Lượng nói.

Bên cạnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, vì phải tự túc lương thực thực phẩm nên anh em tại chốt còn tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế cho đơn vị, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi cho nhân dân khu vực nội- ngoại biên, qua đó lồng ghép công tác dân vận. "Nhân dân và lực lượng đảm bảo ANTT tại hai bên biên giới thường xuyên duy trì các buổi giao lưu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm cho nhau, vì thế mà mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp thường xuyên được vun đắp, xây trồng. Riêng tại chốt, những thời điểm thiếu rau xanh, cá tươi, bà con hai bên biên giới đều san sẻ, xem anh em như người trong nhà; đặc biệt hơn, có thông tin gì liên quan đến ANTT, bà con đều báo cho đơn vị kịp thời", Đại úy Lượng chia sẻ. Nhớ lại câu chuyện cách đây gần 10 năm, khi trận lũ lịch sử năm 2009 dâng cao, cả làng Phí (xã Se San, Campuchia) bên kia biên giới đều ngập chìm trong nước, người dân phải trèo lên cây để thoát nạn. Khi ấy nếu không có BĐBP Việt Nam đưa thuyền ra cứu giúp thì có lẽ thiệt hại sẽ rất khó lường... Nghĩa cử cao đẹp ấy của những người lính quân hàm xanh Việt Nam được bà con nhân dân hai bên biên giới cảm phục, xúc động. 

BĐBP Gia Lai gặp gỡ, trao đổi công việc với người dân hai bên biên giới.

Ấm tình Lệ Thanh

Toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 90km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia với 8 đồn biên phòng (chưa kể các trạm, chốt) đảm nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Riêng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (H. Đức Cơ) phụ trách gần 18 km đường biên thuộc xã Ia Dom, tiếp giáp với xã Pó Nhầy, H. Ô Gia Đao, tỉnh Ratanakeri nước bạn. Là địa phương có 14 dân tộc sinh sống, trong đó, dân tộc Gia Rai chiếm hơn 32% dân số, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tình hình an ninh, chính trị hai bên biên giới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tổ chức phản động FULRO, "Tin lành Đê Ga", tà đạo "Hà Mòn" và các thế lực thù địch khác vẫn thường xuyên tuyên truyền, kích động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã vượt biên trốn sang Campuchia,... làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác ngoại giao nhân dân trên địa bàn hai xã biên giới. Trước tình hình đó, là đơn vị phụ trách địa bàn, CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh luôn quán triệt và triển khai đồng bộ công tác biên phòng, trong đó xác định công tác đối ngoại nhân dân là biện pháp cơ bản, quan trọng, lâu dài nhằm vận động nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các hiệp định, quy chế khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia; pháp luật về biên giới quốc gia.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên phó Đồn cho biết, nhiều năm qua, đơn vị đã cùng với chính quyền địa phương nơi đứng chân triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình giúp người dân trên địa bàn xã Ia Dom phát triển kinh tế bằng nhiều mô hình phát huy hiệu quả như trồng tiêu, mì, lúa nước; hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo; xây mới và sửa chữa nhà ở cho người dân; phối hợp với địa phương vận động nhân dân xây dựng đường điện chiếu sáng giao thông và thu gom rác thải; tích cực giúp địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới... Bên cạnh việc hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương, CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh còn thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, điển hình là xây dựng mô hình kết nghĩa "bản - bản", giữa 2 làng Mok Đen, xã Ia Dom, H. Đức Cơ, Gia Lai (Việt Nam), với làng Bó Lớn, xã Pó Nhầy, H. Ô Gia Đao, tỉnh Ratanakeri (Campuchia) nhằm tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân hai xã biên giới. Ngoài ra, Đồn cũng đã hỗ trợ xây dựng 3 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở bản kết nghĩa Pó Lớn, giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên. "Trong chuỗi các hoạt động đối ngoại nhân dân, hai bên thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, những mô hình hay để phát triển kinh tế, trao đổi những nét đẹp văn hóa của các dân tộc nhân dịp lễ truyền thống dân tộc hai bên, nhất là giúp nhân dân 2 xã biên giới thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, giữ vững an ninh làng bản, đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh biên giới", Thiếu tá Thành cho biết. Đồng thời khẳng định, từ khi hai làng Mok Đen và Pó Lớn kết nghĩa, người dân hai làng luôn chấp hành nghiêm các hiệp định về quy chế biên giới đất liền, giữ vững ANTT hai bên, không để xảy ra việc trộm cắp tài sản, tranh chấp, mâu thuẫn, vượt biên giới trái phép. Mọi người tin tưởng, có trách nhiệm với nhau hơn; trai, gái hai làng có cơ hội tìm hiểu nhau và kết nghĩa vợ chồng, tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai bên vì thế càng thêm bền chặt...

Có thể nói, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang ngày càng thắm lại bởi màu xanh của núi rừng và sự trù phú của vùng đất đỏ bazan căng tràn sức sống mới. Sức sống đó một phần lớn được vun đắp bởi nghĩa tình quân dân của bao thế hệ CBCS BĐBP tỉnh Gia Lai nói chung, các đồn, trạm, chốt biên phòng nói riêng. Họ là những người đang ngày đêm thắp lửa, giữ gìn và xây đắp sự bình yên, ấm no, hạnh phúc cho vùng biên cương địa đầu của Tổ quốc.

Ghi chép: DOÃN HÙNG - CÔNG HẠNH