Nâng cao chất lượng giáo dục đại học: Xây dựng chuẩn đầu ra thật chuẩn!

Thứ bảy, 24/10/2015 11:35

(Cadn.com.vn) - Điểm đầu vào thấp lè tè nhưng đầu ra cao một cách bất thường khiến nhiều người nghi ngại về hiện tượng “chạy điểm” và cuộc chạy đua khẳng định “thương hiệu” của các trường đại học (ĐH), dẫn đến tình trạng “lạm phát” sinh viên (SV) khá, giỏi với chất lượng vàng thau lẫn lộn. Thế nên, cần thiết phải có chuẩn đầu ra thật chuẩn, nếu không, chất lượng giáo dục bậc ĐH chẳng biết đến bao giờ mới... chuẩn.

Sinh viên tại lễ tốt nghiệp (Ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: GDTĐ

Lạm phát SV khá, giỏi

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Rất nhiều trong số đó tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc. Nhìn vào danh sách cụ thể của các trường ĐH sẽ thấy choáng, khi số lượng SV tốt nghiệp loại khá, giỏi cao ngất ngưởng. Đơn cử, niên khóa 2007-2011 của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) có 4,22% trung bình; kết quả tốt nghiệp của ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) chỉ có 4,8% trung bình. Tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, khóa 2006 - 2011 tốt nghiệp với tỉ lệ đạt loại khá trở lên chiếm 82%. Tại Trường ĐH Duy Tân, số SV tốt nghiệp trong năm 2011, nhận bằng loại khá, giỏi, xuất sắc chiếm đến 94,5%. Cụ thể, trong tổng số SV tốt nghiệp có 103 SV tốt nghiệp xuất sắc, 536 SV đạt loại giỏi, 707 SV đạt loại khá, 21 SV loại trung bình khá và chỉ 57 SV loại trung bình. Như vậy, số SV được nhận bằng loại khá, giỏi, xuất sắc trong năm 2011 của Trường ĐH Duy Tân chiếm đến 94,5% (1.346 SV). Hay khóa 58 (2008 - 2012) của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong số 1.547 SV hệ ĐH, CĐ chính quy tốt nghiệp chỉ có 9 SV tốt nghiệp loại trung bình (chiếm 0,58%)!

Trong khi đó, dẫn đầu về tỉ lệ SV tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc phải kể đến Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi tỉ lệ này lên đến 98,6%. Cụ thể, trong 986 SV có 9 SV đạt loại xuất sắc, 236 sinh viên đạt loại giỏi (23,11%), 771 SV tốt nghiệp loại khá (chiếm 75,5%) và số SV tốt nghiệp loại trung bình chỉ ở mức 0,7% (8 SV).

“Tôi không biết các thầy cô ở ĐH có phép thần thông gì mà sau 4 năm đã biến một học sinh trung bình ở bậc phổ thông tốt nghiệp ĐH loại giỏi?”, một giáo viên dạy phổ thông bày tỏ sự hoài nghi. Còn một giảng viên dạy ĐH ở miền Trung đánh giá: “Qua kinh nghiệm giảng dạy của tôi, tỉ lệ SV giỏi thật ở các trường ĐH công lập và ngoài công lập là rất ít, số SV khá cũng chỉ ở mức độ khiêm tốn. Trong khi đó, sức học thực của SV đạt loại trung bình khá và trung bình luôn chiếm đa số”.

Nhìn từ góc độ khác, một tiến sĩ đang tham gia giảng dạy tại một số trường ĐH công lập và ngoài công lập cho rằng có sự “du di” trong việc cho điểm, đánh giá SV: “Mình là giảng viên, trước khi hợp đồng giảng dạy, nhân viên nhà trường luôn dặn dò phải thế này, thế kia về điểm số, phải hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh rớt SV. Chỉ cho điểm kém khi SV bỏ học quá nhiều, chứ có đi học, có làm bài thi thì cho điểm trên trung bình. Vì thương hiệu, nhiều trường vẫn áp đặt giảng viên trong việc cho điểm SV”.

Lý giải về hiện tượng đầu ra ĐH cao bất thường, không ít người cho rằng chính cách tuyển dụng công chức, viên chức ở nhiều địa phương, đơn vị dựa vào xét kết quả học tập đã tạo nên sự du di trong đánh giá, cho điểm SV nhằm giúp SV mình có được thành tích học tập tốt để cạnh tranh với các trường khác, qua đó nâng “uy tín và thương hiệu” của trường mình lên. Bên cạnh đó, hiện tượng “chạy điểm” để có tấm bằng loại giỏi cho dễ xin việc cũng không phải là hiếm!

Thực tế đó khiến giáo dục ĐH rơi vào tình trạng bát nháo, vàng thau lẫn lộn trong sự hoài nghi và bất an của xã hội. Giáo sư Hoàng Tụy buồn bã cho rằng giáo dục ĐH Việt Nam đang vô định, mất phương hướng.

Mù mờ chuẩn đầu ra

Tỷ lệ SV tốt nghiệp loại khá, giỏi cao nhưng không phản ánh chất lượng đào tạo bởi đó là cách đánh giá mang tính nội bộ của nhà trường mà mỗi trường thực hiện một kiểu và không theo quy chuẩn nào. Nhận thấy khiếm khuyết đó, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH nhanh chóng xây dựng chuẩn đầu ra, cam kết về chất lượng đào tạo của các trường.

Tuy nhiên, theo như công bố của các trường thì chuẩn đầu ra vẫn là khái niệm khá mù mờ. Chỉ trừ  trình độ ngoại ngữ, tin học có thể đo đếm được (đa số các trường dựa trên điểm TOEIC, TOEFL, IELTS hay bằng A, B, C...), những tiêu chí khác trong chuẩn đều khá chung chung, thường theo kiểu SV ra trường “có kiến thức cơ bản về toán”... Chính vì vậy, SV tốt nghiệp loại giỏi trường này chưa chắc đã bằng loại khá trường kia!

Phân tầng, xếp hạng ĐH

Chính vì chất lượng tấm bằng vàng thau lẫn lộn nên nhiều địa phương, đơn vị đã từ chối hệ tại chức, thậm chí chỉ tuyển người tốt nghiệp ở những trường uy tín. Đó là thông điệp cho thấy sự nỗ lực cho mục tiêu công bằng xã hội và quyết tâm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngày càng chất lượng hơn của nhiều địa phương nhằm triệt tiêu tình trạng “con ông cháu cha” chỉ cần học cho có bằng ĐH, dù bằng thế nào, trường nào cũng xin được vào cơ quan Nhà nước làm việc. Cách làm đó rất đáng ghi nhận nhưng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Để chấn chỉnh cần thiết phải làm tốt khâu kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ và công khai kết quả kiểm định theo thứ hạng với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Nghĩa là phải xây dựng cho được chuẩn đầu ra thật chuẩn, trên cơ sở đó khẳng định “uy tín và chất lượng” của mình. Khi đó xã hội mới thật sự có được sự công bằng và nguồn nhân lực chất lượng.

Trong cuộc trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, để tạo lập được uy tín chất lượng, các trường cần có thời gian và đầu tư nhiều công sức. Luật giáo dục ĐH và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật là cơ sở pháp lý vững chắc để các trường lập kế hoạch chiến lược phát triển.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh, chất lượng đào tạo thể hiện ở chuẩn đầu ra của SV. Các trường cần dựa vào quy định chuẩn kiến thức tối thiểu của các trình độ đào tạo ĐH mà Bộ GD-ĐT đã ban hành để xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với các chương trình đào tạo.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Các trường ĐH nước ta sẽ chia làm 3 nhóm: ĐH theo định hướng nghiên cứu, ĐH theo định hướng ứng dụng và ĐH thực hành. Ngay từ bây giờ, các trường cần xác định rõ mục tiêu trường mình thuộc nhóm nào để đầu tư phát triển phù hợp, tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo để được xếp hạng cao trong mỗi nhóm.

“Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường đi kèm cơ chế kiểm soát chất lượng và thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH theo Luật giáo dục ĐH mà bộ đang tiến hành là các giải pháp cần thiết, để tạo điều kiện cho từng trường cũng như toàn hệ thống giáo dục ĐH nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển bền vững lâu dài”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhìn nhận.

Phạm Được