Nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp

Thứ tư, 14/05/2014 11:21

(Cadn.com.vn) - Lại một mùa thi nữa đang cận kề. Những ngày này, cùng với việc chú trọng công tác tư vấn tâm lý, hầu hết các trường THPT trên địa bàn TPĐN đang bước vào giai đoạn nước rút trong tổ chức ôn tập tốt nghiệp cho học sinh (HS) năm cuối cấp. Từ sự thay đổi trong phương án thi tốt nghiệp, các trường THPT đã có cách ôn tập phù hợp với thực tế của từng trường...

Mặc dù có cập rập do Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp trễ hơn so với mọi năm, tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm và đã có sự chuẩn bị tâm thế từ trước đó, nên phần lớn các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng không gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp cho HS.

Để giúp HS bớt áp lực bởi chương trình và nội dung ôn tập, tránh hiện tượng học tủ, học lệch, ôn không có trọng tâm, trọng điểm dễ rơi vào sự lúng túng không biết cách tháo gỡ khi đối diện với bài thi, đặc biệt là các môn dự kiến sẽ có cách ra đề cùng cấu trúc bài làm khác so với mọi năm, bên cạnh việc củng cố, hệ thống và bổ sung thêm kiến thức cho HS, hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP đều có “chiến lược” trong việc chú trọng kỹ năng làm bài, nhất là các môn có đổi mới trong cách ra đề năm nay.

HS lớp 12 đang ôn tập tại trường. Ảnh: X.C

Là trường có tỉ lệ đầu vào tương đối thấp, BGH Trường THPT Ngô Quyền rất chú trọng công tác ôn tập cho HS với mục đích nhằm củng cố chắc kiến thức cho HS đồng thời trang bị cho HS thêm các kỹ năng mềm trong quá trình làm bài tập.

Theo đó, ngay sau khi các em kết thúc chương trình học lớp 12, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh để phổ biến những vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT như: nét mới trong quy chế tốt nghiệp, lịch ôn thi; tư vấn cho phụ huynh trong cách quản lý giờ giấc, lịch học, chăm sóc sức khỏe cho con em mình, nhưng không nên gây sức ép  tâm lý, tạo cho các em sự căng thẳng trong quãng thời gian ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Một trong những cách làm khá hay của Trường THPT Ngô Quyền là sự linh hoạt trong việc thay đổi thời gian, lịch học tập, ôn tập của HS khối lớp 12. Cụ thể từ cuối tháng 4, nhà trường đã chuyển việc thi cử của khối lớp 10, 11 vào buổi chiều và dồn các lớp khối 12 sang ôn tập vào buổi sáng.

Theo Phó Hiệu trưởng Lê Hường, việc phân bổ lại thời khóa biểu ôn tập như vậy sẽ giúp HS lớp 12 không bị chi phối, phân tán tư tưởng, tập trung hơn trong quá trình ôn tập. Đối với việc phân bổ thời khóa biểu các môn ôn tập, Trường THPT Ngô Quyền phân theo hướng: 3 tiết đầu ôn tập Toán- Văn thì học theo lớp, hai tiết sau, HS sẽ di chuyển về các lớp học của các môn tự chọn để ôn tập.

Để tránh gây tâm lý ức chế, căng thẳng cho HS, nhà trường không tổ chức dạy 2 tiết ghép, theo đó, GV các môn tự chọn ngày nào cũng phải đến trường dù mỗi buổi chỉ có một tiết dạy. Không chỉ có thế, hằng ngày, lãnh đạo BGH cùng với GVCN “bám lớp” để quản lý, tư vấn, động viên và củng cố thái độ học tập, ôn tập tích cực cho HS...

Do kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi trong các môn thi với 2 hình thức:  2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn, nên trong quá trình phân bổ thời khóa biểu ôn tập, mỗi trường có cách phân bổ, tổ chức khác nhau. Theo đó, không phải trường nào cũng tổ chức ôn tập như Trường THPT Ngô Quyền. Có trường tổ chức chia lớp theo từng môn thi để ôn tập, lại có trường vẫn tổ chức ôn tập theo lớp với việc tăng cường ôn thêm các môn Toán, Văn và ngoại ngữ...

Tuy nhiên, tinh thần chung của các trường là tạo điều kiện tốt nhất để HS được ôn tập 100% tại trường. Trong quá trình ôn tập, ngoài việc củng cố, hệ thống lại kiến thức cho HS, giúp cho các em nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi, các trường chủ trương GV phải dành thời gian hướng dẫn kỹ năng, tạo điều kiện cho các em quen dần với phương pháp làm bài mới...

Đồng thời có sự quan tâm hơn đối với những HS cá biệt, học yếu, lười học... Một số trường còn tổ chức thi thử để giúp HS làm quen với không khí thi cử, qua đó cũng phát hiện những bất hợp lý để có sự điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình ôn tập.

Mặt khác, các trường cũng quan tâm đến công tác nắm bắt tâm lý, tình cảm của HS, giữ vững kỷ cương, nền nếp trường lớp..., tránh không để HS chểnh mảng, lười học... Với cách làm này, các trường THPT hy vọng sẽ nâng cao được tính tự giác trong học tập của HS trước mùa “mài sử sôi kinh”.

P.N