Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm các quốc gia

Thứ ba, 21/11/2023 20:59
Sáng ngày 21/11, Hội nghị Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 (Hội nghị AP - 11) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức hội nghị khu vực.

Sáng ngày 21/11, Hội nghị Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 (Hội nghị AP - 11) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức hội nghị khu vực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự, phát biểu tại lễ khai mạc.

Dự lễ khai mạc có bà Maha al Barjas, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; ông Gillis Carbonnier, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; lãnh đạo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế; các hội quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi; lãnh đạo các bộ, ban, ngành và TP Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị AP - 11.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị AP - 11.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nêu rõ, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực thường xuyên hứng chịu nhiều rủi ro, thiệt hại từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là những thảm họa thiên nhiên so với các châu lục khác. Trong đó, Việt Nam nằm ở tâm điểm của khu vực địa lý thường gánh chịu tác hại của thiên tai, thảm họa thiên nhiên và nằm trong danh sách 10 nước thiệt hại nghiêm trọng nhất.

Hội nghị lần này sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong nỗ lực của các Hội Chữ thập đỏ các quốc gia nhằm giải quyết những thách thức nhân đạo mà khu vực của chúng ta đang phải đối mặt. Trước sự phức tạp, gia tăng và tính khốc liệt của các cuộc khủng hoảng, thảm họa do thiên tai, dịch bệnh và xung đột gây ra, nhu cầu hợp tác, chia sẻ và phối hợp hành động tạo thành sức mạnh của một phong trào thống nhất toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết và sống động hơn bao giờ hết.

Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị AP - 11.

Việt Nam trải qua hàng nghìn năm khai thiên lập địa, kiên cường trước "đầu sóng ngọn gió", người dân Việt Nam hòa hiếu và kiên trung đã đúc kết nên nhiều bài học kinh nghiệm quý báu thích ứng với thiên nhiên, chung sống với thiên nhiên, cải biến thiên nhiên bằng văn hóa ứng xử với thiên tai, dịch bệnh, bằng sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, của dân tộc. Việt Nam cũng là một quốc gia đi tiên phong và rất thành công trong chiến lược phòng, chống đại dịch COVID- 19. Những bài học ấy, sẽ được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ trong hội nghị quan trọng này.

“Chúng tôi hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé vào sự đoàn kết, thống nhất của phong trào bằng việc tổ chức hội nghị xanh, thân thiện, chu đáo, an toàn, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp”. – Bà Bùi Thị Hòa bày tỏ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại lễ Khai mạc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Lưu Quang đã đánh giá cao sáng kiến của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và cảm ơn Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã chọn Việt Nam là nước đăng cai tổ chức hội nghị.

Phó Thủ tướng khẳng định, đây là cơ hội tốt để củng cố sự hợp tác giữa Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các hội quốc gia và các tổ chức hoạt động nhân đạo quốc tế; khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam đối với Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng cảm ơn Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban quốc tế Chữ thập đỏ, các tổ chức quốc tế, các hội quốc gia đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ hiệu quả và quý báu trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc đối phó với đại dịch COVID-19

Đại diện lãnh đạo Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trao Biểu trưng tặng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song thế giới đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do xung đột vũ trang ở một số khu vực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, làm cho số người dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp có xu hướng gia tăng, có lúc tăng đột biến.

Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, thảm họa và dịch bệnh, thể hiện rõ qua những tổn thất to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong khi đó, nguồn lực dành cho các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo còn hạn chế, thiếu hụt ở nhiều nơi. Điều này đặt ra đòi hỏi cấp thiết về tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạch định chiến lược, huy động nguồn lực và nâng cao năng lực của các hoạt động nhân đạo, cũng như trong phòng ngừa và ứng phó với thảm họa.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Nhân đạo, nhân văn, "tương thân tương ái" là bản chất, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Việt Nam luôn mong muốn đóng góp một cách tích cực và hiệu quả nhất cho phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Đây cũng là sự tri ân của Việt Nam đối với cộng đồng, bạn bè quốc tế - những người đã luôn sát cánh với Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong những thời điểm cam go nhất. Chính vì vậy, trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, song Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quan tâm tới công tác nhân đạo quốc tế.

Trải qua gần 70 năm từ khi Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực của phong trào; đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo kịp thời, thiết thực đến người dân các nước ở Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, các Chính phủ, tổ chức quốc tế, khu vực và các bên liên quan cần dành ưu tiên cao và nhiều nguồn lực hơn nữa cho các hoạt động nhân đạo. Cần coi công tác nhân đạo là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trên cơ sở đó tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ở cả cấp độ quốc gia, song phương, khu vực và toàn cầu, nhất là trong hoạch định chiến lược, chính sách, huy động và quản lý các nguồn lực.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị AP - 11.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ tin tưởng, trên cơ sở thảo luận kỹ về thuận lợi, khó khăn, chia sẻ rộng các kinh nghiệm và bài học thành công, Hội nghị AP -11 sẽ thống nhất được các biện pháp, kế hoạch hành động cho công tác nhân đạo khu vực và quốc tế trong giai đoạn mới; nâng cao hiệu quả các khuôn khổ, cơ chế hợp tác giữa các Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm các quốc gia trong việc thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả của mình.

Theo CAND