Nâng cao nhận thức trong lĩnh vực quản lý tổng hợp vùng bờ

Thứ sáu, 11/12/2020 10:12

Ngày 10-12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo Chính sách và Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tổng hợp vùng bờ tại địa phương. Quảng Nam là địa phương ven biển miền Trung, có đường bờ biển dài 125 km; trong đó có 2 cửa biển Cửa Đại (thành phố Hội An) và An Hòa (huyện Núi Thành), với ngư trường rộng hơn 40.000km2 và cụm đảo Cù Lao Chàm. Vùng bờ biển của Quảng Nam có nguồn tài nguyên giá trị cao đã và đang phục vụ cho các hoạt động du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học, đánh bắt thủy hải sản... Trong đó, khu vực Cù Lao Chàm và mũi An Hòa là những vùng bờ có nguồn tài nguyên, sinh vật khá đa dạng.

Để bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên khoáng sản, sinh vật vùng bờ biển tỉnh Quảng Nam theo hướng bền vững, tại hội thảo, dựa vào điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa địa phương, kinh nghiệm về quản lý tổng hợp vùng bờ biển hiệu quả ở một số nước trên thế giới và một số tỉnh, thành, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp tối ưu trong quản lý tổng hợp vùng bờ.

Tiến sĩ Hứa Chiến Thắng, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về quản lý tổng hợp vùng bờ, chia sẻ: Để quản lý tốt vùng bờ, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên, sinh vật… vùng bờ mang lại, Quảng Nam cần huy động cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên, sinh vật vùng bờ. Đặc biệt, tỉnh cần tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn tài nguyên, sinh vật, môi trường vùng bờ là bảo vệ cuộc sống. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ cho hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ. Tỉnh cần phát triển, nhân rộng các dự án trình diễn về quản lý tổng hợp vùng bờ để người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ đối với cuộc sống.

Ông Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (thành phố Hội An) cho rằng: Việc đầu tiên là cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tỉnh cần có quy hoạch bảo tồn khu bảo tồn biển, ưu tiên nhiều đối tượng bảo tồn như: hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, ốc vú nàng...

Bà Bùi Thị Hồng - Phó trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường H. Núi Thành chia sẻ, để làm tốt hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ, trước hết là nâng cao nhận thức của nhân dân vùng biển. Điển hình như ở xã Tam Hải, trước đây luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường do người dân xả rác và rác ở nơi khác trôi dạt đến. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho người dân hiểu về tác hại của ô nhiễm môi trường đối với cuộc sống nên hiện nay, tình trạng trên không còn, thay vào đó nhân dân đã tự động thu gom rác. Không những bỏ đúng nơi quy định, người dân còn phân rác ra làm 3 loại: rác vô cơ, rác hữu cơ và chất thải rắn để cho các đơn vị thu gom dễ dàng xử lý.

Kết thúc hội thảo, bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, công cụ tốt nhất trong quản lý vùng bờ là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Công tác tuyên truyền cần được triển khai liên tục, lâu dài. Để đạt được điều này, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị… cần đẩy mạnh quản lý thông tin dữ liệu chia sẻ, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp vùng bờ.

Trịnh Bang Nhiệm