Nâng cao nhận thức văn hóa văn minh trong thương mại và PCCC ở các chợ Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 43/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về năm “Văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Hội liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng xây dựng kế hoạch tuyên truyền văn hóa, văn minh trong thương mại tại các chợ.
Theo đó, từ ngày 14-5 đến 3-6, Hội LHPN TP Đà Nẵng đã tổ chức tuyên truyền tại 10 chợ truyền thống trên địa bàn toàn thành phố gồm: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Mới, chợ Nguyễn Tri Phương (Q. Hải Châu), chợ Cẩm Lệ (Q. Cẩm Lệ), chợ Siêu thị (Thanh Khê), chợ Tân Lập (Q. Thanh Khê) và chợ Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu). Tại mỗi điểm tuyên truyền, hàng trăm tiểu thương được Thạc sĩ Hoàng Hà Tiên, Giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại TP Đà Nẵng cung cấp nhiều thông tin bổ ích liên quan đến kỹ năng kinh doanh và văn hóa, văn minh trong thương mại. Trước khi diễn thuyết, tuyên truyền viên có chuyến khảo sát cụ thể những điều được và chưa được ở từng chợ để có các góp ý, chia sẻ thiết thực, giúp tiểu thương hoàn thiện hơn nữa kỹ năng kinh doanh của mình.
Tuyên truyền văn hóa, văn minh thương mại tại chợ Cẩm Lệ. |
Theo Hội LHPN TP, Đà Nẵng hiện nay có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập và sức mua của thị trường tiêu dùng ngày càng tăng cao, hệ thống hạ tầng thương mại được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Vài năm gần đây, sự xuất hiện của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã làm cho Đà Nẵng trở nên nhộn nhịp hơn. Bên cạnh những siêu thị lớn như Metro, Big C, Intimex, Co.op Mart, Viettronimex, Đệ Nhất Phan Khang, Điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim Sài Gòn... và hệ thống các chợ hiện đại vào bậc nhất miền Trung cùng với các chợ truyền thống lâu đời, thị trường TP Đà Nẵng đang có sự cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần. Trong thời gian vừa qua, các tiểu thương chợ truyền thống đã cảm thấy sự giảm sút rõ rệt sức mua của người tiêu dùng tại đây.
Trên thực tế, các siêu thị đang ngày càng chăm chút hơn về sản phẩm, dịch vụ, ngay cả với khâu bán thực phẩm tươi sống. Điều này cho thấy siêu thị không chỉ mong muốn thu hút người đi mua sắm hàng tuần mà còn cả những người đi chợ hàng ngày. Từ thực tế này, hoạt động kinh doanh ở chợ truyền thống đang ngày càng chịu một sức ép nặng nề hơn khi doanh số của kênh phân phối ở chợ lại giảm mạnh, mặc dù mạng lưới chợ từ nhiều năm qua đã phát triển khá sâu rộng và văn hóa chợ đã trở nên hết sức gần gũi, ăn sâu vào đời sống văn hóa, tập quán tiêu dùng của người dân. Nếu biết khai thác, chợ còn là “khẩu vị lạ, độc đáo” đối với khách du lịch quốc tế. Vậy nên yếu tố văn hóa và văn minh trong thương mại tại các chợ là cực kỳ quan trọng để các tiểu thương phát triển.
Ngoài tuyên truyền về văn hóa, văn minh thương mại, hầu hết tiểu thương ở các chợ tại Đà Nẵng đều được trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tại chợ Cẩm Lệ, ngày 27-5, sau khi tuyên tuyền về văn hóa, văn minh trong thương mại, UBMTTQVN Q. Cẩm Lệ phối hợp Sở CS PCCC Đà Nẵng tuyên truyền về công tác PCCC để các tiểu thương nâng cao nhận thức. Theo ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ tịch UBMTTQVN Q. Cẩm Lệ, việc PCCC ở các chợ là hết sức cần thiết, nhất là thời điểm bước vào mùa hè nắng nóng. Nếu xảy ra hỏa hoạn, các tiểu thương được trang bị kiến thức tốt, biết sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ trước khi gọi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến ứng cứu sẽ giảm thiểu được thiệt hại về vật chất và tính mạng cho tiểu thương cùng khách hàng trong chợ.
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong thương mại và an toàn về PCCC tại các chợ là một trong những chủ trương đúng đắn, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu người dân địa phương mà còn thể hiện được phong cách sống thân thiện, mến khách của người Đà Nẵng với du khách gần xa.
Nguyên Thảo