“Nâng đỡ, tạo điều kiện để thế hệ trẻ dấn thân...”

Thứ tư, 26/03/2014 09:50

(Cadn.com.vn) - Nói đến thanh niên là nói đến sự “dấn thân”, là tiên phong đi đầu, là “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Tuy nhiên, bên cạnh những thanh niên luôn biết dấn thân, dám đối mặt với khó khăn, thách thức để vươn lên, khẳng định mình trong cuộc sống, đó đây vẫn còn có không ít các bạn trẻ sống nhạt nhòa, chỉ thích thụ hưởng.


Ông Ông Văn Dũng - Chánh Văn phòng UBND Q.Liên Chiểu

Trước những hiện tượng này, dưới góc nhìn đầy thiện chí, ông Ông Văn Dũng (Ô.V.D) - Chánh Văn phòng UBND Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) - cho rằng... 

P.V: Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng, ý thức “dấn thân” của thế hệ thanh niên ngày nay không rõ ràng như thế hệ thanh niên trước đây?

Ô.V.D: Có thể nói, thế hệ thanh niên sinh sau chiến tranh, đặc biệt là thế hệ 8X trở đi, lớn lên trong điều kiện tốt và đầy đủ hơn, được gia đình chăm sóc bảo bọc nhiều hơn nên không thể cảm nhận cũng như không thể hiểu sâu sắc về những thiếu thốn, khó khăn mà thế hệ thanh niên trước đó đã phải đối mặt.

Nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của họ vì thế mà cũng khác hơn so với hệ thanh niên 7 X trở về trước. Đấy là lẽ thường. Tuy nhiên, không vì thế mà nói họ không có hoặc thiếu ý thức “dấn thân”... Sở dĩ có ý kiến trên, theo tôi là bởi, xã hội xuất hiện ngày càng nhiều một bộ phận thanh niên quen lối sống thụ hưởng khiến xã hội nhìn nhận “méo mó” về thế hệ thanh niên ngày nay...

Tuy nhiên, phải thật sự công bằng để đánh giá, phải nhìn thấy được nguyên nhân của vấn đề. Dù đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch... nhằm khơi dậy trong mỗi thanh niên ý thức dấn thân, nhưng cũng nên thẳng thắn nhìn nhận, cả hệ thống chính trị của chúng ta  chưa thực sự quyết liệt trong vấn đề “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Sự chưa quyết liệt ấy thể hiện rõ ở các phong trào, hoạt động... không mang tính căn cơ, dài hơi.

Bên cạnh đó, phải nói rằng, sự tác động theo chiều hướng tiêu cực từ nhiều luồng tư tưởng của truyền thông xã hội đối với nhận thức, tư tưởng, tình cảm của giới trẻ ngày nay cũng không nhỏ. Không ai phủ nhận tính cập nhật, tính hiện đại cũng như các mặt tiện ích, tích cực của truyền thông xã hội mang lại cho con người.

Tuy nhiên, do truyền thông xã hội có quá nhiều kênh, việc quản lý truyền thông lại còn nhiều bất cập, dẫn đến có nhiều luồng tư tưởng khác nhau,  khiến các bạn trẻ khi đứng trước nhiều luồng, nhiều kênh thông tin như vậy cũng không khỏi phân tâm, nhất là những bạn trẻ còn thiếu bản lĩnh sống. Mặt khác, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, có những giá trị mới xuất hiện, cũng có một số giá trị cũ mất đi do quan niệm bị lỗi thời...

Theo đó, định hướng xã hội ít nhiều cũng không còn được như trước, kéo theo đó là một số giá trị căn bản của xã hội bị phôi phai như: giá trị đạo đức, giá trị gia đình, tính trung thực, sự gương mẫu của người lớn... Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của lớp trẻ hôm nay. Truyền thông chính thống  tuyên truyền còn khô cứng, giáo điều; trong khi đó, công tác giáo dục về truyền thống, lịch sử lại chưa được xem trọng...

Ở một khía cạnh nào đó, tính phản biện của thế hệ thanh niên ngày nay cũng chưa được trân trọng, ghi nhận. Tất cả các yếu tố trên khiến cho sự khẳng định bản thân trong mỗi thanh niên ngày nay cũng... bị nhìn “méo mó” đi, dẫn đến suy nghĩ thanh niên ngày nay thiếu ý thức “dấn thân” là vậy...

Đoàn viên thanh niên Q.Liên Chiểu tham gia dọn vệ sinh tại Nghĩa trang liệt sĩ Q.Liên Chiểu. Ảnh: P.T

P.V: Thực tế có không ít bạn trẻ vì không có “đất dụng võ” và không được “dụng võ” nên nản chí, không còn có ý thức dấn thân, dẫn đến tư tưởng MAKENO?

Ô.V.D: Phần lớn cán bộ công nhân viên, công chức hiện nay đều là những người thuộc lớp trẻ. Bằng cách này hay cách khác, họ đều có cách thể hiện sự “dấn thân” của riêng mình. Tuy nhiên, cũng không phủ nhận một thực tế đó là, có những người lãnh đạo thiếu sự hòa đồng, sự thông cảm, tính gương mẫu, thiếu cái nhìn bao dung, vị tha, nhân hậu, lo sợ lớp trẻ hơn mình nên không tạo cho họ cơ hội phát huy tính năng động, sáng tạo...

Trong gia đình cũng vậy. Có không ít bậc cha mẹ, vì yêu thương quá mức và vì tính bảo thủ đã không thông cảm và thật sự thấu hiểu những tình cảm, hoài bão của con trẻ, “ép” con đi theo hướng mà cha mẹ đã chọn... Tất cả đã góp phần khiến cho một bộ phận lớp trẻ ngay nay “chùn chân”, thiếu ý thức dấn thân, hoặc không có cơ hội thể hiện sự dấn thân của mình.

Đặc trưng của tuổi trẻ là năng động, sáng tạo, đôi khi bồng bột. Điều quan trọng của lớp người đi trước là phải biết tạo điều kiện để lớp trẻ phát huy được nội lực của mình, hướng cho các bạn trẻ đi đúng hướng, không nên “dội gáo nước lạnh” trước một ý tưởng, trước sự năng động, đôi khi hơi bồng bột của họ.

Tôi tin, nếu được tạo cơ hội, điều kiện thì các bạn trẻ sẽ bộc lộ rõ hơn ý thức dấn thân của mình. Xã hội đã đổi thay, có nhiều giá trị mới được hình thành thì cũng sẽ có nhiều giá trị cũ mất đi. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, có những giá trị không được mất đi đó là: gia đình vẫn phải là nền tảng, nhà trường là cơ bản và môi trường xã hội là điều kiện cần.

Thiếu đi 3 nền tảng căn cơ ấy, thanh niên sẽ lệch lạc ngay trong nhận thức. Theo đó, người lãnh đạo đơn vị, người đứng đầu gia đình và thầy cô giáo ở trường học phải luôn nhìn thế hệ trẻ bằng con mắt bao dung, nhân hậu, nên giúp các bạn trẻ mạnh dạn phát huy ý tưởng sáng tạo, khát vọng được cống hiến...

P.V: Xin cảm ơn ông!

P.Thủy

(thực hiện)