Năng lượng sạch, kinh tế xanh - yếu tố mới trong chiến lược kinh tế biển

Thứ tư, 20/11/2019 20:00

Việt Nam là đất nước có diện tích 331 nghìn km2 đất liền và 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, có chiều dài bờ biển 3.260km, nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Ngoài ra, Việt Nam còn có hơn 3.000 hòn đảo, mở ra triển vọng phát triển kinh tế đa dạng. Trong số 63 tỉnh thành phố hiện nay, có tới 28 tỉnh thành phố giáp biển. Kinh tế biển đang nổi lên ngày càng quan trọng.

Biển Đà Nẵng - một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Động lực phát triển đất nước

Tiến sỹ Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Biển Việt Nam là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từng bước được hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ 6 ngành kinh tế biển được ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển, Kinh tế hàng hải, Khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác, Nuôi trồng và khai thác hải sản, Công nghiệp ven biển, Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới.

Đối với ngành Du lịch và dịch vụ biển, Nghị quyết số 36 nêu rõ, chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ. 

Việc phát triển ngành công nghiệp ven biển được Nghị quyết 36 nêu rõ, phải dựa trên cơ sở quy hoạch, cân nhắc lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, Nghị quyết 36 định hướng thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị; ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển...

Cần chương trình hành động toàn diện

Tiến sỹ Phạm Ngọc Trụ, Học Viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Hầu hết các vùng kinh tế trọng điểm của nhiều quốc gia đều gắn liền với vị trí gần biển (thậm chí giáp biển) và kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm đó, nguyên nhân chủ yếu do tính địa lý quy định. Các vùng ven biển thường có địa hình khá bằng phẳng, đặc biệt là ở châu thổ các hệ thống sông lớn, thuận lợi cho việc cư trú và các hoạt động kinh tế của con người vì thế thường có lịch sử phát triển sớm và có mức độ tích lũy về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, vốn... cao hơn các khu vực sâu trong nội địa. Các vùng ven biển thuận lợi cho phát triển giao thương, đặc biệt là thương mại quốc tế nhờ ưu thế về phát triển vận tải biển.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Trụ cho rằng Việt Nam cần cân nhắc rà soát, đánh giá các khu kinh tế ven biển để có thể lựa chọn số ít các khu có tiềm năng nổi trội để ưu tiên tập trung đầu tư tạo sự bứt phá thay vì dàn trải như hiện nay. Theo đó, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần ưu tiên đầu tư giao thông vận tải biển và du lịch biển; Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ưu tiên du lịch biển, công nghiệp hóa dầu và giao thông vận tải biển; Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ưu tiên công nghiệp khai thác và hóa dầu, giao thông vận tải biển; Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên thủy sản và du lịch.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, nhận định, phát triển kinh tế biển và ven biển trước hết phải nhấn mạnh phát triển xanh, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng và gắn bó tốt hơn với yêu cầu của thị trường. Việc xem xét các ngành công nghiệp ven biển cần tính tới các yếu tố mới về năng lượng sạch, kinh tế xanh và hướng tới phát triển bền vững. Xuất khẩu từ 28 tỉnh ven biển năm 2018 chỉ chiếm 33% tổng xuất khẩu cả nước (do có nhiều hoạt động xuất khẩu hàng công nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh, thành xa biển nhưng gần sân bay), trong khi trên dưới 90% xuất khẩu và hút vốn FDI lại tập trung ở 4 vùng kinh tế trọng điểm. Điều này cho thấy cần có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng các tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, hải đảo.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh: Cần một chương trình hành động toàn diện, có tính hệ thống, thường xuyên cập nhật thông tin để có kết quả thêm thành công. Các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga đều có chiến lược biển mang tính toàn cầu để có thể bảo vệ đất nước một cách chủ động. Việt Nam có thể học kinh nghiệm Indonesia, từng bước vươn ra biển Đông (Biển Đông Nam Á) để bảo vệ Tổ quốc một cách chủ động, khai thác chủ động và hiệu quả kinh tế biển. Trong hoàn cảnh hiện nay, cần chú trọng kinh tế ven bờ và 200 hải lý thềm lục địa vì nguồn lực có hạn.

Theo đó, các giải pháp chính sách cần đưa ra là: Kiên quyết thực hiện cải cách thể chế theo kinh tế thị trường hội nhập và hiện đại hóa. Phát triển kinh tế tư nhân, từng bước trở thành lực lượng nòng cốt cho phát triển. Phát triển bao trùm, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm công bằng và an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội gắn với từng bước của quá trình phát triển. Phát triển xanh, đi tới phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt đòi hỏi của thị trường quốc tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Hơn nữa, cần đẩy mạnh liên kết vùng ven biển và mối quan hệ tương tác với vùng trong bờ và thế giới trong hội nhập. Giải pháp thúc đẩy là tạo liên kết vùng và tăng sức lan tỏa có ý nghĩa rất quan trọng và cần được thực hiện kiên quyết ngay trong từng bước phát triển. Quan điểm tích hợp này sẽ làm cho sự phát triển thúc đẩy lẫn nhau trên phạm vi các vùng và tiểu vùng cũng như cả nước. Trong sự liên kết này, vai trò của Nhà nước là lực lượng dẫn dắt quan trọng.

H.N