Nặng tình đồng đội

Thứ năm, 09/11/2017 12:18

“Tôi là người may mắn khi còn có cơ hội trở về gặp lại người thân, bạn bè, còn rất nhiều đồng đội của tôi đã mãi ra đi đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Bởi vậy, việc đi tìm mộ liệt sĩ của tôi trong suốt 20 năm qua không chỉ là ân tình mà là trách nhiệm đối với đồng đội của mình”, cựu chiến binh (CCB) Trần Ngọc Doanh (67 tuổi, trú khu dân cư 24, P. Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) tâm sự.

Suốt 20 năm qua CCB Trần Ngọc Doanh đã góp sức tìm kiếm hàng trăm hài cốt liệt sĩ.

Hành trình không mỏi

Hôm chúng tôi gặp đúng dịp ông Doanh vừa vinh dự nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Cầm huy hiệu trên tay mà ông rưng rưng nước mắt: “Nó sẽ không trọn vẹn nếu đồng đội không thể chia vui. Với tôi, niềm vinh dự này sẽ còn là động lực để tôi tìm về với những đồng đội đã anh dũng hy sinh”…Ông Trần Ngọc Doanh quê gốc ở Đông Sơn (Thanh Hóa), vừa tròn 18 tuổi tham gia cách mạng vào Nam chiến đấu. Năm 1973, ông được biên chế về đơn vị đặc công 471 Quảng Đà, Quân khu 5, chiến đấu ở mặt trận phía Tây Bắc Đà Nẵng. Những nơi đơn vị hành quân tác chiến ông đều thuộc nằm lòng địa thế, đường đi cũng như nơi chôn cất hài cốt đồng đội mình. Hòa bình lập lại, nỗi nhớ đồng đội thôi thúc ông phải có trách nhiệm với sự hy sinh của họ. “Cơ duyên bắt đầu từ câu chuyện người con gái đi tìm cha tình cờ tôi gặp được. Nhận thấy mình có thể hỗ trợ tìm kiếm nên tôi sẵn sàng giúp đỡ và từ đó đã khởi đầu cho những hành trình tiếp theo”, CCB Doanh cho biết. Đó là câu chuyện của chị Mai Thị Duyên, con liệt sĩ Mai Xuân Mùi từng chiến đấu tại Đàm Loan Sơn. Trong hành trình tìm cha khắp nơi chỉ có một thông tin ít ỏi là liệt sĩ Mùi tham gia Quân khu 5 hy sinh tại Quảng Nam nên chưa có kết quả. Thế là ông Doanh chắp nối từ nhiều kênh thông tin biết được liệt sĩ Mùi là lính  Trung đoàn 31, Sư đoàn 2. Với những thông tin đó ông về H. Đại Lộc (Quảng Nam) nơi từng xảy ra nhiều trận đánh ác liệt giữa Sư đoàn 2 với địch. Mất thời gian tìm kiếm nhưng không có kết quả. Sau khi trở về tiếp tục lục tìm thông tin ông biết được Sư đoàn 2 từng có trận đánh ác liệt với địch tại H. Thăng Bình. Rất may sau đó, lật lại hồ sơ ghi chép, ông vui mừng khi tìm được hài cốt Mùi tại xã Bình Trị (H. Thăng Bình).

Từ hành trình đầu tiên mang lại kết quả, nhiều thân nhân liệt sĩ tìm đến ông hỏi thăm. Trong cuốn sổ ghi chép của ông hiện có danh sách hơn 500 liệt sĩ đang chờ ông tìm kiếm. 20 năm qua, ông Doanh đã tìm được hơn 300 mộ liệt sĩ, trong đó có 127 liệt sĩ có tên. Hỏi về những khó khăn trong quá trình tìm kiếm, ông Doanh cho biết: “Khó nhất là những trường hợp thông tin mơ hồ, không có địa điểm hy sinh cụ thể. Như trường hợp tìm liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hiền, đặc công Sư đoàn 2, Quân khu 5, hy sinh 1970 tại Bắc Trà My nhưng giấy tờ chỉ ghi hy sinh tại mặt trận phía Nam. Thế là tôi lại lên xe đi vào, rất may lần đó trải qua nhiều ngày không tăm tích đã gặp được anh Trưởng phòng tổ chức Nhà máy Thủy điện Sông Tranh hỗ trợ, chỉ đường nên cuối cùng cũng đã tìm được. Nhiều chuyến đi gặp thời tiết không ủng hộ có thể kéo dài cả tháng trời như chuyến tìm 165 mộ liệt sĩ tại Tây Ninh”, ông Doanh kể.

Còn sức còn đi...

 Để thực hiện được những chuyến đi, ông Doanh luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình, vợ con. Mặc dù điều kiện kinh tế không khá giả nhưng bằng chính tiền lương thương binh 1,3 triệu đồng/tháng, ông tiết kiệm, dành dụm để đi tìm mộ đồng đội. “Bây giờ người thân liệt sĩ gửi thông tin nhờ tìm kiếm về rất nhiều, lên đến gần một nghìn liệt sĩ. Họ rất mong mình giúp đỡ nên tôi sẽ đi khi còn đủ sức. Bằng chính những ân tình mà người CCB dành cho đồng đội, 20 năm qua đã có biết bao cuộc hội ngộ đẫm nước mắt khi người thân tìm lại được hài cốt liệt sĩ. Thậm chí có những cuộc hội ngộ ngay trên đất Campuchia xa xôi. Chia sẻ về những trăn trở, ông Doanh cho hay hiện đã có một số hài cốt liệt sĩ được tìm thấy nhưng chưa tìm được thân nhân, trong đó có liệt sĩ Võ Đạt (thôn Tứ Câu, xã Điện Ngọc, TX Điện Bàn, Quảng Nam), hiện ông vẫn đang cố tìm thông tin người thân liệt sĩ. Với những cống hiến của mình, năm 2015, ông Trần Ngọc Doanh được BCH T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong cung cấp thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông Nguyễn Bá Lưỡng, Chủ tịch Hội CCB P.Hòa Hiệp Bắc nhận xét: “Những cống hiến của CCB Doanh trong thời chiến cũng như thời bình rất đáng được biểu dương. Ngoài việc đi tìm đồng đội, ông Doanh còn có hơn 10 năm làm tổ trưởng tổ dân phố, 5 năm làm phó bí thư chi bộ phường. Ở lĩnh vực nào, ông cũng hoàn thành công việc bằng cái tâm của mình”. Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Bí thư  P.Hòa Hiệp Bắc trao đổi: “Tấm gương như CCB Doanh là điển hình sáng để thế hệ trẻ noi theo, học hỏi. Phường sẽ luôn quan tâm, hỗ trợ để có thêm những cuộc hội ngộ xúc động khi người thân tìm được hài cốt liệt sĩ  hy sinh cũng như để những tâm nguyện thiết thực của người CCB sẽ trở thành sự thật”.

PHI NÔNG