Nặng tình đồng đội

Thứ bảy, 06/10/2018 17:00

“Trong chiến tranh, tôi từng tham gia các chiến dịch: Hai mùa khô đánh Mỹ, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, chiến dịch X1, X2 và chiến dịch Quang Trung Xuân Kỷ Dậu 1969… Trong nhiều trận đánh, tôi chứng kiến nhiều chiến sĩ hy sinh được đồng đội chôn cất vội vã bên đường. Có người trong vòng tay đồng đội trước lúc hy sinh còn gắng gượng nhắn gửi: “Sau ngày hòa bình, nếu còn sống, nhờ anh ghé về thăm mẹ tôi và nhắn dùm rằng con trai mẹ đã hoàn thành nhiệm vụ”… Những hình ảnh xúc động và những lời nhắn gửi của đồng đội trước lúc hy sinh đã khắc sâu trong lòng người cựu binh Nguyễn Đình Tham (trú KDC Thanh Minh, P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Thời đánh Mỹ, ông là lính đơn vị Đặc công D.489, nghỉ hưu từ năm 1986 về địa phương tham gia Hội CCB, Bí thư Chi bộ KDC Thanh Minh, P.Thanh Khê Đông. Rời quân ngũ, ông trở về với thương tật 61% nhưng những ký ức chiến tranh vẫn mãi canh cánh trong lòng. “Hòa bình, được sống diễm phúc bên gia đình, người thân, con cháu nhưng trong lòng vẫn đau đáu  một điều là phải làm gì đó cho đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên chiến trường nhằm góp phần hàn gắn vết thương lòng và cũng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”… Từ đó, tôi không quản ngại gian khổ, khó khăn, thử thách băng rừng, lội suối, vượt đèo về lại chiến trường xưa tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội”-CCB Nguyễn Đình Tham tâm sự.

CCB Nguyễn Đình Tham lưu giữ những hình ảnh từ các chuyến đi.

Từ năm 1990 đến nay, ông cùng Anh hùng LLVTND, Đại tá Trần Kim Hùng kiên trì tổ chức hàng trăm chuyến đi trở lại chiến trường xưa vượt đèo, lội suối, ăn cơm vắt, ngủ rừng đi tìm đồng đội. Khó khăn nhất là sau ngày quê hương giải phóng, địa hình, địa vật, cảnh quan bị xáo trộn, đổi thay rất nhiều. Vì vậy để xác định được vị trí các đồng đội hy sinh và chôn cất, mọi người phải dựa vào những trang nhật ký, sơ đồ một số trận đánh, gặp lại số cán bộ du kích và nhân dân bám trụ để xác minh, kết luận. Kinh phí cho các chuyến đi cũng là một trở ngại nhưng không phải là tất cả. “Cơm nhà, áo vợ, không có tài trợ” nhưng cả Anh hùng LLVTND, Đại tá Trần Kim Hùng và CCB Nguyễn Đình Tham tự lo liệu kinh phí bằng tiền trích từ lương hưu, tiền trợ cấp thương binh. Từ năm 1990-2010, đã tìm kiếm, xác minh, kết luận và cất bốc, quy tập được trên 280 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 2/3 là hài cốt liệt sĩ bộ đội đặc công, số còn lại là liệt sĩ của các đơn vị bạn, có đầy đủ tên, tuổi, quê quán. Đối với số hài cốt có đầy đủ thông tin, hai ông liên lạc qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Cựu Chiến binh, liên hệ gia đình người thân làm đầy đủ thủ tục, chứng kiến việc cất bốc, nhận bàn giao đưa về nguyên quán. Số hài cốt chưa rõ danh tánh, quê quán thì cất bốc rồi liên hệ với chính quyền địa phương gần nhất đưa các anh vào yên nghỉ tại các nghĩa trang: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang.

CCB Nguyễn Đình Tham (phải) và những người trong đoàn dừng chân giữa rừng trong một chuyến đi.

“Hàng trăm chuyến đi tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, mỗi chuyến đi đều để lại những ấn tượng và kỷ niệm khó quên. Nhưng ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất là việc đi tìm phần hài cốt Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Võ Như Hưng, một trong số 7 Dũng sĩ Điện Ngọc”-ông Tham nhớ lại. Đó là ngày 21-12-1994, CCB Nguyễn Đình Tham cùng Đại tá Trần Kim Hùng và đồng đội phải mất 3 năm với 6 chuyến đi mới tìm được nơi Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Võ Như Hưng nằm trên dốc Ô Rây thuộc huyện Hiên. Thế nhưng để lên được vị trí đó không phải dễ. Mọi người dành thời gian hội ý với già làng, bí thư, thôn trưởng Phú Túc, xã Hòa Phú và nhờ bà con người dân tộc Cơ Tu dẫn đường lên dốc Ô Rây. Mất 4 ngày đi bộ và phải vượt qua thác sông Hương hiểm trở, cả đoàn mới đặt chân được đến nơi, tìm đúng nơi chôn cất ban đầu của Anh hùng Võ Như Hưng. Chiều ngày 21-12-1994, toàn bộ hài cốt Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Võ Như Hưng được cất bốc. “Vậy là sau 40 năm, Mẹ VNAH Đặng Thị Khi, 90 tuổi đã tự tay chôn cất hài cốt đứa con mình trên quê hương vùng cát Điện Nam”-ông Tham nhớ lại. Sau khi ông Trần Kim Hùng qua đời, từ năm 2012, tuy sức khỏe giảm sút do tuổi tác, thương tật  nhưng ông Tham vẫn duy trì công việc tìm kiếm đồng đội. Vẫn ba lô, dép lốp và chiếc xe máy cũ, ông lại tiếp tục lên đường về Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang liên hệ với chính quyền địa phương và được nhân dân giúp đỡ tìm kiếm, xác minh chính xác phần mộ liệt sĩ còn ngoài nghĩa trang… Kết quả là từ năm 2012 đến 2015, ông đã tự mình tìm kiếm, cất bốc được 6 hài cốt liệt sĩ bàn giao tận tay cho thân nhân… “Ước nguyện lớn nhất của tôi là mong sao cho đôi chân còn khỏe mạnh, sức khỏe tốt để tiếp tục đi tìm đồng đội”-ông Nguyễn Đình Tham tâm sự.

PHƯƠNG KIẾM