NATO Châu Á

Thứ ba, 22/04/2014 10:16

(Cadn.com.vn) - Một tổ chức như NATO trong tương lai ở Châu Á dường như sắp hình thành với nhiều sức mạnh hơn một NATO Châu Âu.

Trong kết luận chương mới cho cuốn “Chính trị -quyền lực”, tác giả John Mearsheimer lập luận rằng: “Đã có bằng chứng đáng kể rằng, các quốc gia như Ấn, Nhật và Nga, cũng như các nước nhỏ hơn như Singapore, Hàn, Philippines lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc và đang tìm cách để ngăn chặn nó. Cuối cùng, họ sẽ tham gia vào một liên minh cân bằng do Mỹ đứng đầu để đối trọng với sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với hầu hết các phân tích với định đề rằng, Châu Á không hợp với phong cách NATO để ngăn chặn Trung Quốc. Bất chấp chiến lược tái cân bằng Châu Á, Mỹ không có khả năng tài trợ cho một tổ chức phòng thủ tập thể cho khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, ít nhất với 3 lý do: không đủ tinh thần đoàn kết giữa các đối tác đa dạng trong khu vực, sợ hãi xa lánh Trung Quốc, và những lợi thế nhận thức của thỏa thuận an ninh song phương.

Khi được đặt trong bối cảnh lịch sử, những lý do này dường như không đủ. Chúng ta hãy xem xét lại. Đầu tiên, một trong những lý do chính nhiều người cho rằng, một tổ chức NATO không bao giờ có thể làm việc ở Châu Á là vì “các nước trong khu vực giữ lại lợi ích đa dạng và ưu tiên khu vực (như trường hợp quan hệ Hàn-Nhật) và không đủ mức độ tin tưởng để hợp nhất với nhau.

Mặc dù Nhật-Hàn vẫn còn mất lòng tin cũng như nhiều vấn đề hiện nay giữa các quốc gia như Singapore, Malaysia, và Indonesia, nhưng tất cả vẫn không là gì so với “trình độ” mất lòng tin giữa Pháp, Đức, Anh, và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Thật vậy, Đức đã xâm chiếm Pháp 2 lần trong thập kỷ trước và Paris lo lắng về một mối đe dọa an ninh bắt nguồn từ Tây Đức lúc đó, hơn là từ Liên Xô. Đó là lý do tại sao Pháp kịch liệt phản đối cho phép Tây Đức tái vũ trang và khi không ngăn chặn được việc này, họ sản xuất vũ khí hạt nhân.

Pháp cũng không hoàn toàn tin tưởng vào Anh và Mỹ, theo những cách khác nhau. Không giống như với Tây Đức, Pháp không cảm thấy an ninh của mình bị đe dọa trực tiếp bởi các cường quốc Anh-Mỹ nhưng Paris không tin tưởng họ có khả năng viện trợ trong trường hợp nước này bị tấn công. Đồng thời, Paris cũng sợ kẹt trong cuộc xung đột Xô-Mỹ vừa chớm nở. Một trở ngại khác đối với một tổ chức NATO ở Châu Á là “lợi thế nhận thức của các thỏa thuận an ninh song phương”.

Rõ ràng, một NATO Châu Á có thể chưa hình thành ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi rất nhanh nếu Trung Quốc có hành động trắng trợn ở biển Hoa Đông hoặc biển Đông.

Thanh Văn