NATO chọc giận Nga
(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ vốn đang xuống dốc không phanh Nga-NATO tiếp tục dậy sóng khi liên minh quân sự này mời gọi Montenegro trở thành thành viên thứ 29. Moscow vẫn luôn cảnh báo động thái này là “mối đe dọa đối với sự ổn định ở khu vực tây Balkan”.
Ngoại trưởng các nước NATO nhóm họp hôm 2-12 chủ yếu thảo luận về mối quan hệ với Nga. |
Ngoại trưởng các nước NATO ngày 2-12 nhóm họp tại Brussels, Bỉ nhằm bàn về mối quan hệ với Nga và mời gọi Montenegro gia nhập liên minh quân sự này. “Các ngoại trưởng NATO có quyết định lịch sử nhằm khởi động các cuộc đàm phán để Montenegro trở thành thành viên thứ 29”, AFP dẫn phát biểu của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết.
Moscow phản ứng mạnh mẽ trước nỗ lực mở rộng phạm vi về phía đông xung quanh Nga của NATO, xem đây là bước đi tiêu cực đối với an ninh Châu Âu và quan hệ Nga-Montenegro. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, việc mở rộng liên tục của NATO như thế này sẽ dẫn đến các biện pháp trả đũa của Nga. Phía Moscow thậm chí cảnh báo sẽ hủy bỏ các dự án chung với Montenegro, kể cả trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự nếu nước này gia nhập NATO. Nga cũng sẽ có các biện pháp tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phòng thủ để kiềm chế tham vọng của NATO.
Điện Kremlin nhiều lần phản đối Montenegro gia nhập NATO cũng như việc liên minh quân sự này mở rộng phạm vi hoạt động bao xung quanh Nga. Trong động thái nhằm trấn an và vuốt ve Nga, liên minh quân sự này hôm 2-12 quyết định triệu tập lại Hội đồng NATO-Nga nhằm duy trì các cuộc tiếp xúc chính trị với Moscow. Hội đồng NATO-Nga, ra đời năm 2002, ngừng hoạt động hồi tháng 4-2014 với cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, việc mời Montenegro gia nhập NATO trong lúc này, khi mối quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - vẫn căng thẳng sau vụ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”.
Nga ngày 2-12 chính thức thông qua danh sách chi tiết các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời đe dọa sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt khác. Nghị quyết trừng phạt, được Thủ tướng Dmitry Medvedev ký, cấm nhập khẩu hàng thực phẩm, hành tỏi và muối ăn của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 1-1-2016. Moscow cũng đình chỉ hoạt động của các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư với Ankara. Nghị quyết trừng phạt cũng ra lệnh cắt giảm số lượng giấy phép vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ mỗi năm xuống còn 2.000 trong năm 2016 và tiến đến việc xóa bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, công dân Thổ Nhĩ Kỳ không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dân sự được ký kết trước ngày 31-12-2015 sẽ không được phép làm việc tại Nga từ ngày 1-1-2016.
Trong khi đó, theo Interfax, Moscow cũng đình chỉ các cuộc đàm phán với Ankara về dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” cũng như công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Phát ngôn viên Peskov cho rằng, về bản chất, các biện pháp trừng phạt mà Nga áp đặt vào Thổ Nhĩ Kỳ khác với những biện pháp mà phương Tây chống lại Nga do vấn đề khủng hoảng Ukraine. Moscow khẳng định, lệnh cấm vận của Nga là nhằm ngăn chặn các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.
Trả lời phỏng vấn báo giới hôm 2-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho rằng, hành động áp đặt lệnh trừng phạt của Moscow không phù hợp với “vị thế quốc gia” của Nga. “Thổ Nhĩ Kỳ, trong vấn đề này, vẫn giữ được vị thế của mình. Chúng tôi không sử dụng cùng ngôn ngữ với họ... Chúng tôi đang mong đợi một sự thay đổi”, ông Erdogan nói đồng thời cáo buộc Moscow đang đáp trả một cách “cảm tính”. Mặc dù vậy, Ankara cam kết sẽ không trả đũa. “Nga là đối tác chiến lược và chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho họ nhiều sản phẩm, kể cả thực phẩm”, ông Erdogan tuyên bố đồng thời xác nhận chưa từng tính đến chuyện trả đũa các công dân Nga đang sinh sống ở nước này.
Khả Anh