Nato - Mỹ với chiến lược Đông Âu
(Cadn.com.vn) - Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các nhà ngoại giao nước này kêu gọi Lithuania nhanh chóng thông qua thỏa thuận cho phép triển khai quân đội Mỹ trên lãnh thổ quốc gia Châu Âu này. Động thái này báo động nguy cơ tân Tổng thống Mỹ có thể dừng việc triển khai quân ngay sát sườn Nga như thế này.
NATO tăng cường triển khai quân tại Đông Âu, động thái khiến Nga nổi giận. Ảnh: Reuters |
4 tiểu đoàn đầu tiên của NATO đã đến Lithuania, hiện thực hóa cam kết tăng cường hiện diện Đông Âu của liên minh quân sự này, với mục đích đề phòng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga. 4 tiểu đoàn đầu tiên này do Đức dẫn đầu. Sau Đức, Mỹ, Anh và Canada sẽ lần lượt dẫn đầu các binh sĩ đến Ba Lan, Estonia và Latvia. Lực lượng này sẽ bổ sung cho các nhóm nhỏ binh sĩ Mỹ đang luân chuyển tại khu vực.
Hiện chưa rõ lực lượng trên sẽ đồn trú trong bao lâu nhưng giới phân tích cho rằng, dưới thời Tổng thống Donald Trump, lực lượng của Mỹ có khả năng sẽ nhanh chóng rút đi. Trên thực tế, ngay sau khi ông Trump đắc cử tổng thống, các nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi Lithuania nhanh chóng thông qua thỏa thuận cho phép triển khai quân đội Mỹ trên lãnh thổ quốc gia Châu Âu này. Chính quyền Tổng thống Barack Obama lúc đó lo ngại, người tiền nhiệm Trump, vốn có tư tưởng thân Nga, có thể đóng băng kế hoạch mở rộng sự hiện diện ở Đông Âu để làm hài lòng Nga.
Nghi ngờ về các cam kết của Mỹ với NATO bùng nổ sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump. Tân Tổng thống Mỹ đã từng mô tả NATO “lỗi thời” trong khi các nước trong khối là “rất bất công” vì không đóng góp tài chính thêm cho liên minh trong khi không ngừng ca ngợi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Và thỏa thuận giữa Mỹ và Lithuania được ký kết chỉ một vài ngày trước khi diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Trump hôm 20-1. Bước đi này của ông Obama rõ ràng đã “khóa trái cửa” người tiền nhiệm Trump trong chiến lược của NATO - ngăn chặn sức ảnh hưởng của Nga tại Ba Lan và vùng Baltic, sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập về với Moscow.
Các đồng minh Châu Âu ngày càng tin tưởng, với sự xuất hiện của hàng ngàn binh sĩ Mỹ tại Lithuania và Ba Lan, chiến lược Đông Âu của cựu Tổng thống Obama sẽ không bị phá vỡ. Họ cũng yên tâm bởi những tuyên bố mới đây nhất của tân Tổng thống Trump rằng: “Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ NATO”. Trung tướng Ben Hodges, chỉ huy hàng đầu quân đội của Mỹ tại Châu Âu cũng nhận định, “Khi Mỹ triển khai binh sĩ, xe tăng trên bộ ở Đông Âu, đó có nghĩa là một cam kết lâu dài”.
Khi được hỏi liệu ông Trump có thể dừng việc triển khai quân đến Đông Âu, ông Hodges cho biết: “Tôi không nghe bất cứ điều gì như vậy”. Ngoài ra, một nhà ngoại giao cấp cao cũng nhận định, ông Trump chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn đem quân về nhà “theo lệnh của Nga”. Nhưng chính phủ các nước Châu Âu vẫn lo ngại, Tổng thống Trump có thể sử dụng việc triển khai quân như một con cờ để mặc cả với Moscow để có được món hời lớn.
Lo ngại sự trỗi dậy của Nga, NATO đề ra chiến lược tăng cường an ninh ở sườn phía đông mà không khiến Điện Kremlin khó chịu. Đây là hoạt động triển khai quân lớn nhất của NATO tại Châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sử dụng các tiền đồn nhỏ phía đông, lực lượng luân chuyển, tập trận quân sự và kho thiết bị đã sẵn sàng cho một lực lượng phản ứng nhanh chóng lên đến 40.000 quân.
Khả Anh