Nato tăng cường an ninh ở Đông Âu
(Cadn.com.vn) - Việc NATO tăng cường an ninh tại khu vực Đông Âu được đánh giá là nhằm mục đích trấn an các quốc gia trong liên minh và chống lại Nga.
Tại hội nghị ngày 5-2 ở Brussels (Bỉ), NATO công bố chi tiết về kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở Đông Âu, động thái mà Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả là “sự tăng cường lớn nhất” của chiến lược phòng thủ tập thể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Ukraine như một dấu hiệu thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhà Trắng đối với Kiev trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gia tăng cảnh báo về tình trạng leo thang xung đột ở miền đông. Ông Kerry có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk. Vấn đề Washington đang xem xét việc gửi vũ khí hỗ trợ cho Kiev chống phe nổi dậy là trọng tâm trên bàn thảo luận. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng công bố khoản viện trợ mới trị giá 16 triệu USD, chủ yếu hỗ trợ những người phải di tản do chiến sự ở đông Ukraine.
NATO có kế hoạch tăng cường lực lượng tại Đông Âu. Ảnh: EPA |
TRẤN AN CÁC ĐỒNG MINH
Bộ trưởng Quốc phòng 28 quốc gia NATO đã triển khai chương trình quan trọng nhất về phòng thủ tập thể kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Đây là biện pháp tăng cường nhằm đối phó với Nga sau khi bán đảo Crimea sáp nhập về với Moscow hồi tháng 3-2014 và với các mối đe dọa mới tại sườn phía nam của liên minh quân sự này. Tại cuộc họp, NATO thông qua biện pháp cụ thể đầu tiên của kế hoạch “Sẵn sàng hành động” (RAP), trong đó quyết định tăng quân số cho lực lượng phản ứng nhanh (NRF) tồn tại từ 1 năm nay. Lực lượng này, bao gồm 3 lữ đoàn bộ binh và một số đơn vị không quân, hải quân cùng các lực lượng đặc biệt, luôn trong trạng thái sẵn sàng triển khai trong vòng 48 giờ tại mọi khu vực lãnh thổ của NATO.
Bằng cách tăng cường lực lượng ở Đông Âu, NATO muốn trấn an các quốc gia thành viên trước sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga.
THÁCH THỨC NGA
Động thái này của NATO được coi là nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa nào của Nga đối với các nước Baltic hoặc thành viên khác trong khối một khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine vượt ngoài tầm kiểm soát.
“Liên minh đang phải đối mặt với “sự thay đổi cơ bản” môi trường an ninh vì Nga. Đây là một cái gì đó chúng tôi làm nhằm phản ứng với những hành động mà chúng tôi nhìn thấy từ Nga”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói. NATO cũng sẽ tiết lộ các kế hoạch cho mạng lưới các trung tâm chỉ huy nhỏ ở Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan, Romania và Bulgaria. Trước đó, các nhà ngoại giao NATO cũng nói rằng, liên minh này ngày càng lo ngại về chiến lược hạt nhân của Nga cũng như những dấu hiệu cho thấy, các nhà hoạch định quân sự Moscow có thể hạ thấp ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột. Trong hành động mạnh mẽ hơn nữa, NATO có kế hoạch mở trung tâm đào tạo tại Georgia và hỗ trợ cải cách quân sự cho Ukraine - tất cả đang rung lên hồi chuông báo động ở Moscow.
Lo sợ ảnh hưởng của Nga khiến các nhà hoạch định quân sự NATO phải xem xét lại chiến lược đối phó với Moscow. Mặc dù vậy, NATO tuyên bố tất cả hoàn toàn chỉ mang tính phòng thủ. Tất nhiên, điều này không thể thuyết phục Moscow. Thật vậy, ngờ vực và nhận thức cơ bản khác nhau về cuộc khủng hoảng Ukraine đang khiến NATO và Nga căng thẳng cao độ. Tất cả đặt Châu Âu trước nguy cơ trở lại tình trạng đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh, nhất là khi cuộc chiến ở đông Ukraine đang khốc liệt hơn bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được ký kết.
Căng thẳng có thể tồi tệ hơn nếu Mỹ hoặc các đồng minh NATO khác quyết định hỗ trợ quân sự vũ trang cho quân đội Ukraine.
Khả Anh