Nên áp dụng một hình thức đăng ký trực tuyến

Thứ hai, 22/02/2016 10:48

(Cadn.com.vn) - Phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 (gọi tắt phương án tuyển sinh năm 2016) được Bộ GD-ĐT công bố vào đầu tháng 2-2016 đã có một số điều chỉnh những bất cập, chưa phù hợp so với phương án tuyển sinh 2015. Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về phương án tuyển sinh năm 2016, PGS-TS Đoàn Quang Vinh - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho rằng những điều chỉnh đó là hợp lý. Đồng thời đề xuất nên áp dụng mạnh mẽ  ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác tổ chức thi và xét tuyển.    

PGS-TS Đoàn Quang Vinh

P.V: Rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh năm 2015, phương án tuyển sinh năm 2016 do Bộ GD-ĐT vừa công bố đã có một số điều chỉnh. Theo PGS-TS, những điều chỉnh này đã thực sự hợp lý, liệu có hạn chế được sự rối rắm dẫn đến lộn xộn như đã từng xảy ra ở một số trường ĐH trong cả nước mùa tuyển sinh 2015 vừa qua?

PGS-TS Đoàn Quang Vinh: Theo tôi, một số điều chỉnh trong quy định của Bộ (tại Công văn 525/BGDĐT-KTKDCLGD ngày 03/02/2016) là hợp lý. Cụ thể như: Quy định các Sở và trường ĐH chủ trì cụm thi được công bố kết quả thi THPT Quốc gia sẽ hạn chế được tình trạng nghẽn mạng trong năm 2015; quy định thí sinh (TS) chỉ đăng ký trực tuyến hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện sẽ tránh được tình trạng TS và phụ huynh phải đi hàng trăm cây số để đến trường ĐH chờ đợi đăng ký dự thi. Với hạ tầng CNTT ở nước ta hiện nay, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần áp dụng mạnh mẽ CNTT trong tổ chức thi và xét tuyển, áp dụng một hình thức đăng ký trực tuyến và bỏ hẳn hồ sơ giấy để việc nộp hồ sơ của TS và xét tuyển của các trường CĐ, ĐH được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, chính xác.

Ngoài ra, quy định TS không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký là một thay đổi lớn trong quy định của Bộ trong năm nay để hạn chế sự rối rắm trong việc tuyển sinh như năm vừa qua. Với quy định này, TS sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi chọn ngành đăng ký, tránh được tình trạng TS đăng ký và đổi ngành ồ ạt như năm trước.

P.V: Có ý kiến cho rằng với cách thức tổ chức kỳ thi "2 trong 1", Bộ GD-ĐT đang dần "tốt nghiệp hóa" kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ. PGS-TS nghĩ sao về ý kiến này?

PGS-TS Đoàn Quang Vinh: Tôi không nghĩ như vậy. Đối với ĐH Đà Nẵng, chúng tôi chỉ xét tuyển các TS đã dự kỳ thi THPT Quốc gia do các trường ĐH chủ trì. Như vậy về bản chất vẫn như các năm trước, khi chúng ta tổ chức các kỳ thi 3 chung. Khi đó, bên cạnh những ngành đã tuyển đủ chỉ tiêu từ các TS dự thi vào ĐH Đà Nẵng, chung tôi vẫn tuyển bổ sung vào những ngành chưa đủ chỉ tiêu từ các em đã dự thi và các trường ĐH khác.

P.V: Dù đã có điều chỉnh những bất cập, tuy nhiên có thể thấy cùng với việc tạo điều kiện cho TS trong các đợt đăng ký xét tuyển sẽ gây nên tình trạng TS trúng tuyển ảo. Để công tác tuyển sinh được thuận lợi cả 2 phía: TS và các trường ĐH, CĐ, đồng thời giảm được lượng TS trúng tuyển ảo, theo PGS-TS cần có những giải pháp nào?

PGS-TS Đoàn Quang Vinh: Với việc cho phép TS đăng ký vào 2 trường đồng thời, có thể dự báo số lượng TS trúng tuyển vào cả 2 trường sẽ rất lớn, nhất là với các TS có kết quả thi THPT từ khá trở lên. Đây là cơ hội lớn cho các TS này vì họ được tăng thêm quyền lựa chọn. Tuy nhiên, các TS có kết quả thi thấp hơn thì phải chờ đợi vào việc chọn trường trúng tuyển của TS nhóm trên. Đối với các trường ĐH, việc tính toán số lượng TS trúng tuyển nhập học sẽ khá khó khăn vì không có cơ sở để dự báo.

Để công tác tuyển sinh được thuận lợi cho cả TS và phụ huynh, theo tôi, cần có những giải pháp như sau:  Sau khi công bố kết quả xét tuyển, các TS trúng tuyển phải nhanh chóng xác nhận trường sẽ nhập học. Để việc xác nhận được thực hiện nhanh chóng và chính xác, TS cần sử dụng tài khoản bảo mật của mình để xác nhận trực tuyến vào cơ sở dữ liệu chung quốc gia. Không nên quy định điểm chuẩn đợt xét tuyển sau ít nhất phải bằng hoặc cao hơn đợt xét tuyển trước để các trường có thể chủ động hơn trong việc tuyển sinh trong bối cảnh số lượng trúng tuyển ảo lớn. Không cho phép TS đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học vào một trường được đăng ký xét tuyển các đợt tuyển bổ sung tiếp theo. Quy định này sẽ hạn chế được việc TS chuyển từ trường này sang đăng ký trường khác dù đã trúng tuyển. Đồng thời, khuyến khích TS đăng ký xét tuyển trực tuyến để việc thu nhận thông tin đăng ký xét tuyển của TS được nhanh chóng, chính xác. Sau khi TS đăng ký, cần có phản hồi của trường qua thư điện tử đến TS để xác nhận việc đăng ký. Bên cạnh đó, Bộ nên quy định bỏ luôn hình thức đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường.

 Các trường nên áp dụng mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong công tác tổ chức thi và xét tuyển (ảnh minh họa).   Ảnh: GD

P.V: Trong phương án tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhưng đa số phụ huynh cũng như TS vẫn thích trực tiếp đến các trường ĐH để làm thủ tục đăng ký xét tuyển. Ngoài lý do về tâm lý, phải chăng còn do phần mềm ứng dụng CNTT trong công tác tuyển sinh chưa thực sự tốt khiến phụ huynh, TS chưa thực sự an tâm, tin tưởng để ứng dụng trong đăng ký xét tuyển trực tuyến, thưa PGS-TS?

PGS-TS Đoàn Quang Vinh: Phần mềm ứng dụng CNTT và hạ tầng CNTT hiện nay theo tôi đủ khả năng để tổ chức tốt kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên do tâm lý, thói quen sử dụng hồ sơ giấy, con "dấu đỏ", chữ ký thật... đã khiến cho việc ứng dụng CNTT trong đăng ký xét tuyển chưa phát huy hết hiệu quả.

Năm 2015, ĐH Đà Nẵng đã triển khai cho TS đăng ký xét tuyển trực tuyến. Do đó, TS cần mạnh dạn sử dụng các dịch vụ tiện ích do CNTT mang lại để việc đăng ký và theo dõi đăng ký được thuận lợi. Ngoài ra, về phía các trường cần có xác nhận việc đăng ký của TS qua thư điện tử, đường dây nóng giải đáp trực tuyến để tạo sự an tâm, tin tưởng của TS khi sử dụng dịch vụ mới.

P.V:  ĐH Đà Nẵng đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh của các trường thành viên và chuẩn bị công bố chỉ tiêu cụ thể từng ngành của các trường. So với năm 2015, năm nay các trường ĐH, CĐ thành viên mở thêm những chuyên ngành đào tạo nào mới? Những ngành học nào buộc phải "đóng cửa" do nhiều năm nay ít hoặc không tuyển sinh được?

PGS-TS Đoàn Quang Vinh: So với năm 2015, ĐH Đà Nẵng mở thêm ngành mới Sư phạm âm nhạc trình độ ĐH. Viện nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (VNUK) cùng tuyển sinh thêm 2 ngành mới là  Quản trị và Kinh doanh quốc tế và ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính. Hai ngành mới của VNUK được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. ĐH Đà Nẵng không có ngành buộc phải dừng tuyển sinh do không có sinh viên vào học.

P.V: Xin cảm ơn PGS-TS về cuộc trao đổi!

P.Thủy
(thực hiện)