Nên xem xét công nhận anh Trần Văn Quý là liệt sỹ

Thứ tư, 11/11/2015 09:37

(Cadn.com.vn) - Trong lúc thực hiện nhiệm vụ trục vớt gỗ do lâm tặc bỏ dưới sông, anh Trần Văn Quý (1987, cán bộ thuộc Đội kiểm lâm cơ động số 2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam) bị nước cuốn trôi và tử vong. Anh Quý đã được UBND tỉnh Quảng Nam xem xét và có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB&XH công nhận là liệt sỹ. Thế nhưng nhiều năm qua, nguyện vọng của chính quyền cũng như gia đình nạn nhân vẫn chưa được chấp thuận.

Tử vong trong khi làm nhiệm vụ

Ngày 15-5-2011, anh Trần Văn Quý đang làm nhiệm vụ trục vớt gỗ do lâm tặc cất giấu dưới lòng sông Vu Gia tại khu vực Mò O (xã Đại Sơn, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã bị vòng nước xoáy cuốn trôi và tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh Quý đã được các cơ quan, ban ngành và các cấp chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam nhiệt tình giúp đỡ, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận anh Trần Văn Quý là liệt sỹ. Tại Công văn số 829/LĐTBXH-NCC ngày 5-8-2011 của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam gửi Cục Người có công đề nghị cho ý kiến việc xác nhận liệt sĩ đối với Trần Văn Quý. Đến ngày 13-9-2011, Cục Người có công có Văn bản số 811/NCC trả lời với nội dung: "Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ, trường hợp chết của Trần Văn Quý chưa thuộc diện xem xét xác nhận liệt sỹ".

Tiếp đến, ngày 4-10-2013, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 3862/UBND-VX gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị công nhận liệt sỹ đối với anh Trần Văn Quý. Đến ngày 4-6-2015, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn phản hồi số 2110/LĐTBXH-NCC với nội dung: "Ông Quý trong khi xuống sông tham gia trục vớt gỗ trái phép đang cất giấu dưới lòng sông, không mặc áo phao, lội (bơi) được khoảng 4-5m bị sụp vào hố nước sâu có vòng xoáy nên bị nước cuốn trôi chết. Đây là công tác giải quyết sự vụ của nhân viên kiểm lâm khi được giao, tai nạn xảy ra dẫn đến chết người là yếu tố bất ngờ không thể biết trước.

Trong xác nhận liệt sỹ dũng cảm là hành động xả thân của cá nhân, mặc dù biết trước là nguy hiểm đến tính mạng của bản thân nhưng vẫn hành động để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Do đó không thể coi trường hợp nêu trên là hành động dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc xả thân để cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, ông Trần Văn Quý không đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ theo quy định hiện hành".



Lực lượng Kiểm lâm không ngại khó khăn, gian khổ để trục vớt gỗ dưới sông
nhằm bảo vệ tài sản của Nhà nước.

Cần xem xét thấu đáo

Trước công văn của Bộ LĐ-TB&XH, ông Trần Đức Dũng (1953, trú thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), cha anh Quý không đồng tình và tiếp tục gửi đơn cầu cứu các ngành chức năng. Qua trao đổi về nội dung vụ việc với Luật sư Phạm Xuân Linh, Văn phòng luật sư Phụng Công (thuộc Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), luật sư Phạm Xuân Linh cho rằng: Qua nghiên cứu, nội dung Công văn của Bộ LĐ-TB&XH chưa phù hợp với điểm e khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định điều kiện xác nhận liệt sỹ và chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bởi vì, Điểm e khoản 1 Điều này quy định: "Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và của nhân dân" là một trong các điều kiện để được xem xét xác nhận công nhận liệt sỹ.

Vì thế, đối chiếu với trường hợp của anh Trần Văn Quý đang làm nhiệm vụ đã không quản ngại khi lội xuống dòng nước xoáy nguy hiểm của sông Vu Gia để trục vớt gỗ do lâm tặc phá rừng cất giấu, vận chuyển dưới lòng sông và bị nước cuốn chết. Do đó, hành động của anh Quý phải được xem là hành động dũng cảm để cứu tài sản của Nhà nước. Mặt khác, tại Công văn số 3862/UBND-VX ngày 4-9-2013 của UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã khẳng định: "Việc ông Trần Văn Quý không quản ngại nguy hiểm, hy sinh tính mạng trong lúc trục vớt gỗ đang chìm sâu dưới lòng sông phục vụ cho công tác điều tra, xử lý đối tượng khai thác rừng trái phép là một hành động dũng cảm, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quốc gia".

"Công văn của Bộ LĐ-TB&XH cho rằng anh Trần Văn Quý có lỗi do khi đó không mặc áo phao là chưa phù hợp với thực tế diễn biến của sự việc. Bởi vì, nếu anh Quý mặc áo phao thì người sẽ nổi lên mặt nước không thể lặn xuống đáy lòng sông để trục vớt gỗ được"- luật sư Linh phân tích... Như vậy, đối chiếu những nội dung lý giải nêu trên cho thấy hành động của anh Trần Văn Quý là dũng cảm, nhưng lại không được Bộ LĐ-TB&XH chấp nhận là chưa thỏa đáng. Thiết nghĩ, việc đấu tranh bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm nói riêng và của các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bảo vệ rừng nói chung hiện nay rất khó khăn gian khổ và luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, do đó việc Bộ LĐ-TB&XH đồng ý làm thủ tục công nhận liệt sỹ cho anh Trần Văn Quý sẽ là nguồn động viên, cổ vũ của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bảo vệ rừng yên tâm công tác, dám kiên quyết đấu tranh để bảo vệ rừng, đương đầu với hiểm nguy để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân theo quy định của pháp luật.

Bão Bình