Nên xếp hạng di tích cấp tỉnh mộ danh nhân Lương Thúc Kỳ

Thứ năm, 22/03/2018 11:25

Theo chân ông Lương Tám ở làng Hà Tân, xã Đại Lãnh, H.Đại Lộc, Quảng Nam, tôi đi tìm ngôi mộ của một nhân sĩ  trí thức yêu nước dưới thời triều Nguyễn không chỉ làm rạng rỡ cho dòng tộc Lương nơi đây mà còn là niềm tự hào cho mảnh đất Quảng địa linh nhân kiệt. Đó  là danh nhân Lương Thúc Kỳ. Theo gia phả thì ông Lương Tám là cháu gọi cụ Lương Thúc Kỳ bằng ông cố. Cụ Kỳ sinh ngày 13-6-1873 (Quý Dậu) tại làng Hà Tân trong một gia đình có truyền thống nho giáo. Rất ham học ngay từ thuở ấu thơ, năm 1900, Lương Thúc Kỳ  thi đỗ cử nhân đồng khoa với các cụ Nguyễn Sinh Sắc, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... tại Huế. Hay tin ông  đỗ đạt, bà con dân làng Hà Tân rất vui mừng, bởi một vùng quê sát sông, kề núi này trải qua bao đời chưa có ai học cao, hiểu rộng như Lương Thúc Kỳ và cụ trở thành người đầu tiên của H. Đại Lộc có học vị cao nhất và tên tuổi của cụ nổi tiếng khắp vùng. Sau khi thi đỗ, triều đình nhà Nguyễn cử cụ vào học Trường Hậu bổ tại tỉnh Bình Thuận (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì thời vua Thành Thái, ai đỗ cử nhân trước khi bổ chức tri huyện  bắt buộc phải vào học Trường Hậu bổ, nghĩa là học cách làm quan rồi mới được bổ nhiệm). Học xong, một năm sau cụ được triều đình Huế phong chức tri huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Là vị quan có chí khí, thanh liêm, đức độ, thương yêu dân nghèo nên Lương Thúc Kỳ thường xuyên quan hệ, liên lạc với nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông. Cụ Nguyễn Thông quê quán ở Gia Định, đỗ cử nhân Khoa Kỷ Dậu 1856, là người tham gia biên soạn Bộ Khâm định nhân sự kim giám, tham gia các trận đánh thực dân Pháp để bảo vệ thành Gia Định và sau đó cụ rút về tỉnh Bình Thuận tiếp tục tham gia các hoạt động yêu nước chống ngoại bang xâm lược cũng như quân tay sai Nam triều. Năm 1907, các ông Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất và Ngô Văn Nhương đồng sáng lập Trường Dục Thanh học hiệu, do Nguyễn Quý Anh làm Giám hiệu để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng ở Trung Kỳ và mời cụ tham gia dạy học. Nhờ mối quan hệ thân thiết với  hai người con trai của thi sĩ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh nên Lương Thúc Kỳ kết thân với tất cả những nhà yêu nước sáng lập ra Trường Dục Thanh và trở thành một thành viên trong hội rồi làm con rể của nhà thơ Nguyễn Thông.

Ông Lương Tám dâng  hương mộ ông cố Lương Thúc Kỳ.   Ảnh: THÁI MỸ

Đầu năm 1908, phong trào kháng sưu, cự thuế bùng nổ đầu tiên tại xã Đại Nghĩa, Đại Lộc mà điểm khởi phát ngọn lửa đấu tranh tại đình làng Phiếm Ái cùng xã và phong trào lan rộng nhanh chóng vào tới Bình Thuận rồi khắp các tỉnh Trung phần. Nhận thấy đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa để chống lại sự áp bức, bóc lột thậm tệ dân cày cũng như thợ thuyền của bọn cường hào thực dân, phong kiến, lại xuất phát từ quê hương của cụ nên cụ đã nhanh chóng đứng ra thành lập lực lượng đấu tranh. Hết sức bất ngờ trước một vị quan tri huyện oai phong, ăn cơm triều đình mà lại hô hào nhân dân tập hợp đòi yêu sách nên cụ Lương Thúc Kỳ bị nhà Nguyễn cách chức tri huyện rồi bắt tống vào nhà lao Phan Thiết. Hơn một năm bị giam cầm trong ngục tối, năm 1910, Lương Thúc Kỳ được thả ra và về dạy tại các trường tân học. Do có kiến thức văn chương uyên bác, tài năng cũng như đức độ, nhất là việc dạy học, tên tuổi của Lương Thúc Kỳ được giới nhân sĩ khắp ba miền biết đến. Không để uổng phí một nhân tài như Lương Thúc Kỳ nên triều đình Huế lại tái bổ cụ làm Huấn đạo, một chức vụ trông coi việc học hành tại H.Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1914-1918, cụ tiếp tục làm Huấn đạo H. Cam Lộ (Quảng Trị) rồi sau đó được điều đi các huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Tuy An (Phú Yên) với chức giáo thọ. Đến năm 1919 vua Khải Định điều Lương Thúc Kỳ ra làm quan tại Sở Tu thư ở kinh thành Huế. Trong triều đình, cụ được tham gia vào việc biên soạn các bộ sách giáo dục phục vụ việc giảng dạy tại Quốc Tử Giám cũng như các bộ sách quan trọng khác như sách Hán Việt từ điển, Thừa Thiên địa lý chí, Thừa Thiên đăng khoa lục... Suốt trong 5 năm làm quan ở Sở Tu thư, cụ Lương Thúc Kỳ đã dày công nghiên cứu biên soạn Bộ Quốc ngạn gồm 1.500 liên với 3.000 câu ngạn ngữ và Báo Tiếng Dân lần lượt đăng tải năm 1931. Đây là bộ sách ngạn ngữ Việt Nam có giá trị giáo dục đạo đức làm người, là bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trong lời tựa xuất bản bộ sách này, cụ viết: "...Những người biết chữ nghĩa, thông hiểu việc xưa nay trăm phần chưa được một, còn những hạng chưa được đi học lại thuộc phần nhiều nhưng xét khi ăn, ở trong gia đình, ứng tiếp ngoài xã hội không điều gì là không hợp lẽ thường, giống như một người có học vậy. Nếu không nhờ phương ngôn, tục ngữ quen thuộc trên đầu lưỡi để làm nề nếp khuyên răn, dạy bảo thì làm sao có được cách ứng xử giữa đời như thế? Than ôi! Tiếng ngạn cũng có công hiệu với dân tộc ta nhiều". Thấy việc làm quan cho một triều đình bị mất chủ quyền chẳng có nghĩa gì nên năm 1923 cụ xin nghỉ về sống với bà con tại quê nhà với tước vị Hàn lâm viện thị độc học sĩ. Hai năm sau cụ được phong chức Quan lộc tự Thiếu Khanh hàm tứ phẩm. Cách mạng tháng Tám thành công, cụ nhận lời mời làm Chủ tịch Hội liên Việt H. Đại Lộc, một tổ chức đoàn kết dân tộc của Việt Minh lúc bấy giờ. Ngày 23-9-1947, cụ lâm bệnh qua đời. Mộ cụ trước đây an táng bên con đường nhỏ dưới chân đồi Thượng Đức, song vì mở đường nên tháng 4-2000  gia tộc di dời lên gò Cây Da và tháng 3-2015 con cháu đóng góp tu bổ lại mộ phần của cụ.

Nhân sĩ Lương Thúc Kỳ là người có nhiều công trạng với quê hương, đất nước, hiện tại H. Đại Lộc đã có ngôi trường và Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng có con đường mang tên cụ. Với một danh nhân như thế, thiết nghĩ ngành văn hóa H. Đại Lộc cũng như tỉnh Quảng Nam cần thẩm định tiểu sử và đề nghị xếp hạng mộ cụ Lương Thúc Kỳ là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

THÁI MỸ