Nepal "dịch chuyển" sau động đất?

Thứ bảy, 20/06/2015 10:32

(Cadn.com.vn) - Trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương là chất xúc tác cho một tiến trình hòa bình ở tỉnh Aceh bất ổn của Indonesia. Thảm họa động đất tại Nepal liệu có mang lại thay đổi lịch sử như vậy? Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Nepal ký kết thỏa thuận về một bản hiến pháp mới được chờ đợi từ lâu, chỉ vài tuần sau khi trận động đất tàn phá đất nước hồi tháng 4.

Những thay đổi

Thỏa thuận 16 điểm này chia Nepal thành 8 bang, trong đó ranh giới của các bang được quyết định bởi một ủy ban liên bang.

Nepal sẽ có một chính phủ nghị viện với 2 viện. Hạ viện có 275 thành viên, 60% trong số đó được bầu trực tiếp, trong khi 40% sẽ được bầu thông qua đại diện tỷ lệ. Thượng viện có 45 ghế. Thủ tướng sẽ có quyền hành pháp và được lựa chọn từ các đảng lớn hay liên minh trong quốc hội. Đất nước cũng sẽ có một tổng thống được quốc hội lựa chọn và các hội đồng tỉnh. Một tòa án hiến pháp sẽ được thành lập trong 10 năm để giải quyết các tranh chấp.

Dự kiến, dự thảo hiến pháp sẽ sẵn sàng vào tháng 7, sau đó sẽ cần được sự chấp thuận của 2/3 số ghế trong quốc hội. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, quá trình này có thể kéo dài trong nhiều năm.

Những trở ngại

Đã gần 10 năm kể từ khi phiến quân tham gia vào tiến trình chính trị của Nepal. Các chính trị gia đồng ý viết một hiến pháp mới vào năm 2010, song không đi đến thỏa thuận.

Khi động đất xảy ra hôm 25-4, Thủ tướng Nepal, Sushil Koirala, không ở trong nước. Phải vài ngày sau, ông và các chính trị gia khác mới có thể chỉ đạo công tác cứu hộ và cứu trợ. Người dân Nepal có cảm giác, bế tắc chính trị ảnh hưởng đến khả năng phản ứng với cuộc khủng hoảng của các chính trị gia. Họ bị áp lực khi đưa ra các quyết định.

Tuy nhiên, một số tin rằng, các đảng mạnh hơn lợi dụng điều này để thúc đẩy thông qua thỏa thuận mà không phản ánh được mong muốn của các đảng nhỏ ở Nepal. Thỏa thuận này bị chỉ trích là không đầy đủ bởi nó chưa quyết định về ranh giới hoặc tên các bang mới.

Sau nhiều năm bế tắc về hiến pháp mới, đây là bước đột phá đáng kể kết thúc sự phân chia giữa nhóm phiến quân Maoist, nhóm vận động cho chủ nghĩa liên bang, và các thành phần chính trị ưu tú của đất nước. Nhưng thỏa thuận này có thể thất bại bởi nó không giải quyết được sự khác biệt giữa các đảng chính và các nhóm xã hội và dân tộc bị thiệt thòi, những người cảm thấy không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ thỏa thuận này.

An Bình
(Theo BBC)