Ngã ba đường

Thứ bảy, 31/01/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Kinh tế vốn chủ yếu phụ thuộc vào sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài, nên giờ đây, Afghanistan cần phải làm việc chăm chỉ để đi đến thành công.

Lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tại Afghanistan vào ngày 31-12-2014 theo kế hoạch. Vai trò mới của Mỹ là sẽ tham gia hỗ trợ và đào tạo trong khuôn khổ Hiệp định An ninh song phương (BSA) và Hiệp định về quy chế các lực lượng (SOFA). Rõ ràng, 2014 là cả một khó khăn và nhiều sự kiện cho Afghanistan. Chuyển giao an ninh và chính trị thành công là bước ngoặt lớn.

Quốc gia Nam Á này từng nhận những cú sốc kinh tế trước năm 2014, một phần do các động lực chính trị không chắc chắn và một phần do tác động rất thực tế của các nguồn lực tài chính suy giảm do việc giải ngân của các lực lượng quốc tế. Nhưng với một chính phủ mới đoàn kết hơn, nhiều người đang ngày càng lạc quan về bức tranh kinh tế tương lai trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đang giảm.

Khi quân đội nước ngoài và nhân viên cứu trợ rời khỏi đất nước, tác động kinh tế là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này không phải đều tiêu cực. Bởi lẽ, từ đây người Afghanistan "có quyền" sở hữu quá trình phát triển của chính họ và là bước đi đầu tiên hướng đến những nỗ lực "tự lực cánh sinh" cũng như tạo kỳ vọng về chính phủ đoàn kết dân tộc.

Trong 12 năm qua, kinh tế Afghanistan hầu như phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Theo Bộ Tài chính, gần như 100% ngân sách phát triển và 45% ngân sách hoạt động của quốc gia Nam Á này là do tài trợ bên ngoài. Từ năm 2002, khi chính phủ mới lên nắm quyền sau sự sụp đổ của Taliban, kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý. GDP tăng từ 3 tỷ USD trong năm 2002 lên 20 tỷ USD trong năm 2012.

Hiện nay, một phần đáng kể tiền viện trợ đổ vào Afghanistan trong thập kỷ qua đã kết thúc trong tay các cá nhân, dưới hình thức hối lộ, lại quả và tham ô. Số tiền này xuất hiện dưới hình thức các tòa nhà cao tầng, số dư ngân hàng nước ngoài rất lớn, và các doanh nghiệp tư nhân có lợi thuộc sở hữu của một số người, cả trong và ngoài nước. Nhưng kể từ khi viện trợ nước ngoài không tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững, việc cộng đồng quốc tế lần lượt ra đi là cú sốc cho Afghanistan, tác động rất lớn đến kinh tế.

Hiện tại, cộng đồng quốc tế nói chung và các quốc gia NATO nói riêng đang bước vào quan hệ đối tác mới với Afghanistan, đây là thời điểm để xác định lại các mối quan hệ đáng tin cậy hơn dựa trên các tiêu chuẩn thực tế. Bất chấp những thách thức, Afghanistan vẫn đóng vị trí chiến lược, cửa ngõ vào Trung Á cũng như cầu nối giữa đất miền Trung và Nam Á.

Như vậy, Kabul có những cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư quốc gia và quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau, từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp dịch vụ và du lịch. Điều tra sơ bộ cho thấy, Afghanistan có nguồn tài nguyên khoáng sản trị giá khoảng 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có bảo đảm an ninh bền vững, các tổ chức kinh tế và chính trị mạnh mẽ, hỗ trợ kỹ thuật quốc tế. Tất cả sẽ gây ra sự cạnh tranh quốc tế chứ không phải là nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng.

Afghanistan đã chuyển giao thành công. Nhưng xem ra tương lai vẫn còn quá vô định khi họ vẫn đang phải đứng giữa ngã ba đường. Mọi việc bây giờ phụ thuộc vào chính phủ đoàn kết quốc gia.

Thanh Văn