Nga cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với Mỹ

Thứ năm, 06/10/2022 08:04
Nhà ngoại giao Nga cảnh báo việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.
Ngày 28-9, Mỹ thông báo tăng gấp đôi số lượng hệ thống tên lửa HIMARS được gửi đến Ukraine. Ảnh: AFP
Ngày 28-9, Mỹ thông báo tăng gấp đôi số lượng hệ thống tên lửa HIMARS được gửi đến Ukraine. Ảnh: AFP

“Ranh giới nguy hiểm”

Theo đài RT (Nga), phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 4-10, Đại sứ Nga Konstantin Vorontsov, Trưởng phái đoàn Nga tại Ủy ban Giải trừ Quân bị Liên hợp quốc cho rằng việc Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí, thông tin tình báo, thậm chí cả máy bay chiến đấu cho Ukraine, đang đẩy Washington tiến gần đến “ranh giới nguy hiểm” của cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow.

Cảnh báo của đại sứ Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, thông báo Washington sẽ cung cấp cho Kiev thêm gói hỗ trợ an ninh 625 triệu USD. Gói hỗ trợ 625 triệu USD Mỹ cam kết lần này bao gồm các loại vũ khí, thiết bị bổ sung, như 4 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), đạn dược, 16 khẩu pháo cỡ nòng 155mm và 105mm, 75.000 viên đạn pháo - bao gồm đạn pháo dẫn đường và đạn đặt mìn từ xa – cùng các loại vũ khí nhỏ và đạn cối, 200 xe bọc thép MRAP.

“Mỹ đang tăng cường chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cung cấp thông tin tình báo cho quân đội nước này, tạo điều kiện cho các binh sĩ và cố vấn của họ tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này không chỉ kéo dài xung đột, dẫn đến nhiều thương vong mới, mà còn có khả năng leo thang thành cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO”, ông Vorontsov nói trước Ủy ban thứ nhất – cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát vũ khí và các vấn đề an ninh của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Theo Lầu Năm Góc, kể từ năm 2014 đến nay, Mỹ đã chi hơn 19,6 tỷ USD để “hỗ trợ an ninh” cho Ukraine. Tính từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã viện trợ 16,8 tỷ USD khác cho Ukraine. Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine mọi thứ cần thiết để giải quyết xung đột đang leo thang. Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh không nên gửi vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự cho Ukraine. Bất chấp cảnh báo, Washington và NATO tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi nào còn cần và theo nhu cầu của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều đó không khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột.

Nga “không đe dọa bằng vũ khí hạt nhân”

Các lực lượng Ukraine đã tái kiểm soát khoảng 9.000 km2 lãnh thổ và giành lại thành phố chiến lược Lyman ở tỉnh miền đông Donetsk từ Nga. Ukraine hiện đã điều thêm lực lượng tới củng cố Lyman và phát triển đà tấn công. Trước đà phản công của quân đội Ukraine, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, cho rằng Nga nên cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ trên chiến trường Ukraine. Những lời đe dọa này đã khiến giới quan sát và quan chức phương Tây lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ trên chiến trường Ukraine.

Vấn đề hạt nhân đã thu hút sự quan tâm đặc biệt kể từ khi Tổng thống Putin tuyên bố huy động lực lượng quân dự bị và cảnh báo Moscow sẵn sàng sử dụng bất kỳ vũ khí nào để tự vệ nếu cần thiết. Phát biểu của ông Putin được các chính trị gia và truyền thông phương Tây coi như một lời đe dọa về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Vào đầu tuần này, báo The Times của Anh đăng tải thông tin liên minh quân sự NATO đã cảnh báo các nước thành viên rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến thể hiện tình trạng sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bằng cách thực hiện một vụ thử nghiệm hạt nhân ở khu vực biên giới giáp Ukraine. Tờ báo này cũng cho biết Nga đã di chuyển một đoàn tàu được cho là có liên hệ với một đơn vị chịu trách nhiệm về vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Quốc phòng Nga.

Khi được hỏi về thông tin trên, ngày 4-10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga không muốn tham gia vào "luận điệu hạt nhân" của phương Tây. Ông cho rằng truyền thông phương Tây, các nguyên thủ quốc gia và các chính trị gia phương Tây đang tuyên truyền rất nhiều về vũ khí hạt nhân của Nga. Ông Peskov tuyên bố vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân của Nga và chiến lược quân sự của Nga "không dựa trên cảm tính". Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng bác bỏ suy đoán của phương tây về việc Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. "Chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai bằng vũ khí hạt nhân", ông Ryabkov khẳng định.

EU đạt thỏa thuận áp giá trần đối với dầu mỏ Nga

Politico ngày 4-10 đưa tin, EU đã đạt một thỏa thuận dự kiến áp giá trần đối với việc bán dầu mỏ của Nga cho các nước thứ 3.

Theo quy định, tàu vận tải của các nước thành viên EU sẽ từ chối vận chuyển dầu Nga nếu mức giá vượt giá trần. Mức giá cụ thể sẽ được công bố trong vòng trừng phạt thứ 8. Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp và Malta đã lo ngại về tác động tiềm tàng của biện pháp này đối với ngành vận tải biển của họ, song EU được cho là đã cam kết đưa ra một số nhượng bộ dưới hình thức “hệ thống giám sát” nhằm cung cấp các biện pháp giảm thiểu tác động của lệnh trừng phạt.

Kế hoạch áp giá trần là một phần của vòng trừng phạt thứ 8 đối với Nga mà Brussels dự kiến áp đặt trong tuần này, liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.

AN BÌNH