Nga - Iran xây hành lang thương mại chống lệnh trừng phạt của phương Tây

Thứ sáu, 30/12/2022 11:26
Nga và Iran đang xây dựng một hành lang thương mại xuyên lục địa mới dài 3.000 km từ Đông Âu đến Ấn Độ Dương, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bất kỳ quốc gia nào. Động thái này cho thấy hai nước tìm cách mở rộng quan hệ thương mại trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt.
Cảng Solyanka tại thành phố Astrakhan của Nga. Ảnh: Maxar
Cảng Solyanka tại thành phố Astrakhan của Nga. Ảnh: Maxar

Tuyến đường nhiều mục đích

Theo hãng tin Bloomberg, với định giá lên đến 25 tỷ USD, Nga và Iran đang đẩy mạnh xây dựng hành lang thương mại này nhằm tăng tốc vận chuyển hàng hóa dọc theo các tuyến sông và đường sắt kết nối với Biển Caspian. Ở cuối phía Bắc của tuyến đường thương mại này là Bán đảo Crimea nằm trên Biển Azov, được kết nối với cửa sông Don. Các tuyến giao thông đường sông, đường biển và đường sắt từ nơi đây sẽ dẫn đến các cảng của Iran ở Biển Caspian. Hành lang này sẽ chạy qua lãnh thổ Iran và kết thúc ở Ấn Độ Dương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 từng nhấn mạnh về nhu cầu cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng tàu biển, đường sắt và đường bộ dọc theo tuyến đường mới. Theo nhà lãnh đạo, điều đó sẽ mang đến cho các công ty Nga những cơ hội mới để thâm nhập thị trường Iran, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn cung ứng ngược lại từ các quốc gia này.

Tuyến đường thương mại mới sẽ tạo cơ hội cho Nga và Iran tăng tốc vận chuyển hàng hóa bằng đường sông và đường sắt, cũng như giúp cắt giảm hàng nghìn ki-lô-mét đi lại. Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng hành lang này sẽ nằm ngoài phạm vi can thiệp của phương Tây, trong khi tạo điều kiện các nước đối tác có thể thiết lập chuỗi cung ứng chống lại các biện pháp trừng phạt.

Xích lại gần nhau

Theo giới phân tích, cạnh tranh giữa các cường quốc đang nhanh chóng định hình lại các mạng lưới thương mại trong một nền kinh tế thế giới có vẻ như sẽ bị chia cắt thành các khối đối thủ. Nga và Iran, dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, đang xích lại gần nhau cũng như hướng sang phương Đông. Mục tiêu của tuyến thương mại này là ngăn cản sự can thiệp từ phương Tây, cũng như kết nối với những nền kinh tế phát triển nhanh ở châu Á. "Tuyến vận tải này nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chống trừng phạt", bà Maria Shagina, một chuyên gia về trừng phạt và chính sách ngoại giao của Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định.

Theo dữ liệu, các chuyến hàng đang di chuyển giữa Nga và Iran với tần suất ngày càng tăng. Thương mại giữa hai nước trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng gần 50% so với cùng kỳ. Con số cả năm có thể sẽ sớm vượt 5 tỷ USD. Ông Sergey Katyrin, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, phát biểu vào tháng trước rằng có một "con đường rõ ràng" để con số này lên 40 tỷ USD sau khi hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Đối với Iran, chính sách xoay trục trở nên cấp bách hơn, trong bối cảnh những nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân đang chững lại. Sự ủng hộ của Tehran dành cho Moscow trong xung đột Ukraine, cũng như các cuộc biểu tình đang diễn ra, khiến cho quan hệ với phương Tây ngày càng xấu đi. Quan chức Iran đã tuyên bố tập trung hoàn toàn vào "trục phía Đông", và loại bỏ mọi kế hoạch kinh tế với châu Âu. Tehran đang theo đuổi một loạt thỏa thuận năng lượng và thương mại với Nga, Trung Quốc và các nước Trung Á.

Chi mạnh tay

Dự án này chắc chắn đối mặt với rất nhiều trở ngại nên cả Nga và Iran đều đang chi mạnh tay để khắc phục chúng. Điển hình, Nga đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để cải thiện khả năng giao thông qua Azov, vào sông Don và qua kênh đào nối với sông Volga. Phía Điện Kremlin cũng đang hoàn tất bộ quy tắc cho phép các tàu từ Iran có quyền đi qua các tuyến đường thủy nội địa trên sông Volga và sông Don. Độ sâu của một số đoạn kênh đã hạn chế kích thước tàu vận chuyển xuống còn khoảng 3.000 tấn. Do vậy, việc hiện đại hóa kênh đào này có thể cho phép những con tàu có kích thước lớn gấp đôi đi qua dễ dàng.

Trong khi đó, tập đoàn tàu biển IRISL có trụ sở tại Tehran đã đầu tư 10 triệu USD vào bến cảng Solyanka nằm dọc sông Volga. Mục tiêu của họ là nhằm tăng gấp đôi công suất hàng hóa tại bến cảng này lên 85.000 tấn mỗi tháng. Tại nước mình, Iran đang đổ tiền vào các nhà ga để đẩy nhanh tốc độ chuyển hàng từ tàu lên các tuyến đường sắt, chạy dọc từ Biển Caspian đến Vịnh Ba Tư. Tehran cũng đang mở rộng mạng lưới đường sắt vốn đã dài 16.000 km.

AN BÌNH