Nga - Mỹ “khẩu chiến” gay gắt về Syria

Thứ năm, 22/09/2016 09:37

(Cadn.com.vn) - Syria đã rơi trở lại điểm xuất phát đầy quan ngại trước thời điểm thực thi lệnh ngừng bắn khi LHQ quyết định đình chỉ hoạt động của các đoàn xe viện trợ nhân đạo tại nước này. Trong bối cảnh đó, Mỹ và Nga tiếp tục đổ lỗi cho nhau đã gây ra các cuộc không kích nhằm vào các xe cứu trợ khiến thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi sụp đổ.

Xe tải trong đoàn viện trợ nhân đạo bị tấn công trên đường đến Urum al-Kubra, ngoại ô phía tây của Aleppo, Syria. Ảnh: AFP

LHQ ngày 21-9 tuyên bố dừng các hoạt động của các đoàn xe cứu trợ nhân đạo sau khi xác nhận, ít nhất 18 chiếc trong đoàn xe viện trợ gồm 38 chiếc của LHQ và Hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ Syria đã bị tấn công khi đang thực hiện chuyến cung cấp hàng viện trợ nhân đạo đến khu vực Urum al-Kubra, ngoại ô phía tây Aleppo, Syria.

Mỹ đã cáo buộc Nga đứng sau các cuộc tấn công khiến khoảng 20 người thiệt mạng này, chỉ 3 ngày sau khi Moscow phản ứng giận dữ về cuộc tấn công do Mỹ đứng đầu giết chết hàng chục binh sĩ quân đội Syria. Theo AFP, phía Washington tin rằng, Moscow phải chịu trách nhiệm về vụ không kích này.

“Tất cả thông tin cho thấy rõ ràng rằng đây là một cuộc không kích”, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói. Theo ông Rhodes, hiện chỉ có thể là hai thực thể có trách nhiệm, đó là chính phủ Syria hoặc Nga. “Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng, chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm”, ông Rhodes nhấn mạnh. Mỹ cho biết đưa ra đánh giá này vì có 2 chiến đấu cơ Su-24 của Nga đang hoạt động gần khu vực đoàn xe viện trợ bị tấn công.

Moscow phản ứng giận dữ trước cáo buộc này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 21-9 khẳng định, chiến đấu cơ của nước này không hoạt động ở đó và Lực lượng Không quân Syria cũng không thể tham gia cuộc tấn công này vì không thể tiến hành các chuyến bay vào ban đêm. Moscow khẳng định, những cáo buộc nhắm vào họ được dựng lên nhằm đánh lạc hướng mọi sự chú ý khỏi những “nhầm lẫn” của liên quân do Mỹ dẫn đầu khi tấn công lực lượng của chính phủ Syria ở Deir al-Zor.

Trước đó, Nga cũng bác bỏ những lời khẳng định về việc đoàn xe viện trợ bị trúng đạn pháo hoặc không kích mà do bị bắt lửa. Moscow cho rằng, chỉ có nhóm cứu hộ dân phòng “Mũ bảo hiểm trắng” – vốn có liên hệ mật thiết với lực lượng Mặt trận Al-Nusra - mới có thể đưa ra câu trả lời về thủ phạm và lý do dẫn đến vụ việc trên.

Washington và Moscow bảo trợ cho thỏa thuận ngừng bắn mới nhất tại Syria lần này, vốn có hiệu lực từ đêm 12-9, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến kéo dài hơn 5 năm qua. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào trước đó, số phận của lệnh ngừng bắn mới nhất này cũng rất ngắn ngủi. Các phe phái thực thi lệnh ngừng bắn lần này liên tục cáo buộc nhau vi phạm khi mở các cuộc tấn công nhằm vào đối phương.

Bất chấp tình hình bạo lực leo thang, Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) khẳng định vẫn cần theo đuổi một thỏa thuận ngừng bắn theo kế hoạch của Mỹ và Nga. Sau cuộc họp ngắn tại New York của 23 quốc gia thuộc nhóm ISSG, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn tại Syria “vẫn chưa chết”. Đặc phái viên LHQ về Syria, Staffan de Mistura khẳng định, lệnh ngừng bắn vẫn có hiệu lực cho đến khi Mỹ-Nga tuyên bố chấm dứt thỏa thuận này.

Ngoại trưởng các nước tham gia cuộc họp này, theo lời kêu gọi của phía Nga-Mỹ, cho biết sẽ nỗ lực gặp nhau một lần nữa trong tuần này bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ để bàn về vấn đề Syria. Nhưng thật khó để biết liệu nỗ lực Mỹ-Nga có bị chệch đường ray hay không, trong bối cảnh cả hai bùng nổ tranh cãi gay gắt về những cuộc không kích ở Urum al-Kubra.

Khả Anh